Vô Sinh Nam

Vô Sinh Nam

Đại cương:

Định nghĩa:

Vô sinh nam là tình trạng một người đàn ông không còn khả năng sinh sản, lượng tinh trùng sản xuất ra không đủ hoặc sản xuất với số lượng thấp khiến quá trình thụ tinh không xảy ra.

Dịch tễ học:

Theo thống kê trên thế giới, tỷ lệ vô sinh chiếm khoảng 8 – 15% các cặp vợ chồng. Ở Việt Nam hiện nay, vô sinh chiếm 12 – 13% tổng số cặp vợ chồng, tương đương với gần một triệu cặp vợ chồng.

Nam giới có tỷ lệ mắc vô sinh khoảng 40%.

Vô Sinh Nam

Nguyên nhân vô sinh nam:

  • Di truyền:

Vô sinh do di truyền có thể xảy ra ở nam và nữ. Đối với nam giới, nguyên nhân là do di truyền nhiễm sắc thể, những bất thường về số lượng và cấu trúc của nhiễm sắc thể,… gây nên tình trạng nội tiết tố nam bị rối loạn.

  • Sử dụng chất kích thích:

Việc thường xuyên sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia, ma túy… là những nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh ở nam giới. Các chất kích thích góp phần làm suy giảm số lượng và chất lượng của tinh trùng, làm giảm khả năng thụ tinh của tinh trùng và trứng.

  • Nhiễm hóa chất:

Những đấng mày râu làm việc trong môi trường ô nhiễm, chứa nhiều chất độc hại thì rất dễ mắc phải chứng vô sinh. Các hóa chất này khi hấp thụ vào cơ thể có thể gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng hoặc giết chết tinh trùng. Nguy hiểm hơn, các hóa chất độc hại còn khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh khi còn trong bụng mẹ.

  • Ăn uống không đủ chất:

Việc ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là các chất tăng cường sinh lý nam giới như vitamin, kẽm,… khiến tinh trùng thiếu chất dinh dưỡng nên hoạt động kém cỏi hơn và khiến khả năng thụ thai giảm dần, từ đó dẫn đến vô sinh.

  • Bệnh lý tinh hoàn:

Các bệnh lý ở tinh hoàn như viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn, tắc ống dẫn tinh, xoắn tinh hoàn, giãn tĩnh mạch thừng tinh, ung thư tinh hoàn,… gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến số lượng và chất lượng của tinh trùng.

  • Bệnh lý về tuyến tiền liệt:

Các bệnh về tuyến tiền liệt cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến tinh trùng như u xơ tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt. Vì vậy, các đấng mày râu cần tiến hành điều trị bệnh sớm nhằm tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản trong tương lai.

  • Bệnh lý về dương vật:

Một số bệnh như hẹp bao quy đầu, dây thần kinh dương vật quá nhạy cảm, ung thư dương vật,… có thể gây vô sinh ở nam giới. Các bệnh này cũng ảnh hưởng đến tinh trùng và ham muốn tình dục của nam giới.

  • Tinh trùng ít hoặc kém chất lượng:

Việc sản xuất và hoàn chỉnh tinh trùng bị trục trặc, viêm nhiễm tinh hoàn hay mào tinh, giãn tĩnh mạch trong bao tinh hoàn, bất thường về hormone, hoặc do thường xuyên mặc quần chật khiến tinh hoàn bị nóng… đều làm suy giảm chất lượng và số lượng “tinh binh”.

  • Khả năng di chuyển của tinh trùng hạn chế:

Do viêm tuyến tiền liệt, khiến tinh dịch đặc một cách bất thường. Ngoài ra, việc sử dụng một số thuốc trị đau dạ dày và cao huyết áp cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của tinh trùng.

Vô Sinh Nam
  • Tắc đường vận chuyển tinh trùng từ tinh hoàn ra túi tinh hoàn:

Chủ yếu do viêm ống dẫn tinh, hậu quả của các bệnh lây qua đường tình dục;

Niệu đạo không thông ra ngoài ở đầu dương vật mà bị lệch ở giữa thân dương vật, khiến tinh trùng khó đi vào cổ tử cung.

Yếu tố nguy cơ gây vô sinh nam:

Các yếu tố nguy cơ liên quan đến vô sinh nam bao gồm:

  • Hút thuốc lá
  • Uống rượu
  • Sử dụng một số loại thuốc bất hợp pháp
  • Thừa cân
  • Bị trầm cảm hoặc căng thẳng nghiêm trọng
  • Bị nhiễm trùng trong quá khứ hoặc hiện tại
  • Tiếp xúc với độc tố
  • Từng trải qua chấn thương tinh hoàn
  • Đã từng thắt ống dẫn tinh hoặc phẫu thuật bụng hoặc xương chậu lớn
  • Có tiền sử tinh hoàn không di chuyển
  • Sinh ra đã bị rối loạn khả năng sinh sản hoặc có quan hệ huyết thống với rối loạn sinh sản
  • Một số tình trạng bệnh, bao gồm các khối u và bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh hồng cầu hình liềm
  • Dùng một số loại thuốc hoặc trải qua các phương pháp điều trị y tế chẳng hạn như phẫu thuật hoặc xạ trị được sử dụng để điều trị ung thư.
Vô Sinh Nam

Triệu chứng lâm sàng:

Mặc dù hầu hết nam giới bị vô sinh không nhận thấy triệu chứng khác thường nào ngoài việc không thể thụ thai. Nhưng các triệu chứng vô sinh ở nam phụ thuộc vào nguyên nhân gây vô sinh và chúng bao gồm:

  • Dấu hiệu bất thường ở tinh dịch: Đối với trường hợp nam giới bị vô sinh thì tinh dịch sẽ có những dấu hiệu thay đổi bất thường. Chất lượng tinh trùng không đảm bảo, có hiện tượng tinh dịch màu vàng, đặc quánh hay tinh trùng loãng, bị vón cục nếu hiện tượng này kéo dài thì nam giới nên đi thăm khám sớm bởi đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm tuyến tiền liệt hoặc viêm túi tinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản, cần được điều trị sớm.
  • Rối loạn cương dương: Là tình trạng dương vật không cương cứng, khó cương cứng hoặc thời gian cương cứng không đủ để duy trì quan hệ đây được xem là dấu hiệu bị vô sinh ở nam giới. Tình trạng rối loạn này nếu kéo dài, không được điều trị sớm sẽ dẫn đến chứng liệt dương ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.
  • Dấu hiệu bất thường khi xuất tinh: Nam giới gặp các triệu chứng đau khi xuất tinh, xuất tinh ngược dòng hay xuất tinh sớm làm suy giảm chất lượng tinh trùng dẫn đến tình trạng vô sinh hiếm muộn.
  • Rối loạn đường tiểu: Xuất hiện các biểu hiện đi tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu bị đau, tiểu ra máu, mủ,…đây là các dấu hiệu liên quan trực tiếp đến cơ quan sinh sản nam giới. Do đó, bạn cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.

Cận lâm sàng:

  • Phân tích tinh dịch:

Mẫu tinh dịch của bệnh nhân sẽ được tiến hành phân tích đo số lượng tinh trùng và hình dạng cũng như khả năng di chuyển của tinh trùng. Các dấu hiệu nhiễm trùng cũng được chú trọng.

  • Siêu âm bìu:

Sử dụng sóng âm cao tần để quan sát được hình ảnh trong cơ thể. Siêu âm bìu có thể giúp phát hiện được bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh hoặc tắc nghẽn một phần của tinh hoàn chứa tinh trùng.

  • Thử nghiệm hormone:

Hormone được sản xuất bởi tuyến dưới đồi và tuyến yên. Tinh hoàn đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển tình dục và sản xuất tinh trùng. Nồng độ hormone sinh dục trong máu có thể phản ánh tình trạng của hệ thống sinh dục trong cơ thể.

  • Ngoài ra  bệnh nhân cũng có thể làm thêm các xét nghiệm phân tích nước tiểu sau xuất tinh, các xét nghiệm di truyền hoặc sinh thiết tinh hoàn rất có giá trị trong chẩn đoán.

Biện pháp phòng ngừa:

Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị vô sinh, nam giới cũng nên tạo cho mình một thói quen để phòng tránh vô sinh ở nam giới. Cụ thể như:

  • Xây dựng cho mình một thói quen sinh hoạt khoa học, chế độ dinh dưỡng phù hợp, tránh ăn uống các chất nhiều dầu mỡ dẫn đến tình trạng béo phì gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
  • Tuyệt đối tránh xa các chất kích thích, hạn chế thuốc lá, rượu bia,… gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
  • Không nên làm việc quá sức, không thức khuya thường xuyên, tránh căng thẳng, stress diễn ra trong thời gian dài. Luôn giữ tinh thần thoải mái để nâng cao chất lượng sức khỏe cũng như khả năng thụ thai.
  • Khám sức khỏe đúng định kỳ để kiểm tra tình trạng sức khỏe sinh sản cũng như theo dõi tiến độ điều trị, nhằm phát hiện sớm và khắc phục sớm khi gặp các vấn đề bất thường về sức khỏe sinh sản..
  • Nên chia sẻ và cần nhận được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để có thể giải đáp thắc mắc cũng như đưa ra hướng giải quyết phù hợp về việc mang thai của hai vợ chồng.
  • Tránh thủ dâm quá độ, quan hệ tình dục an toàn.
Vô Sinh Nam

Tây y điều trị bệnh vô sinh nam:

Phân loại:

Vô sinh nguyên phát:

Vô sinh nam nguyên phát được hiểu là tình trạng một cặp vợ chồng chưa từng thụ thai mà không sử dụng bất kỳ biện pháp bảo vệ nào khi quan hệ tình dục nhưng sau nhiều năm vẫn chưa có con. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể là do nam giới.

Vô sinh thứ phát:

Là tình trạng một cặp vợ chồng đã từng có con ít nhất từ 1 đến hơn 2 lần hoặc đã từng có thai nhưng không may bị động thai, sảy thai và không thể có con được nữa dù không sử dụng biện pháp bảo vệ nào. Đối với trường hợp này thì có thể chẩn đoán nguyên nhân dẫn đến vô sinh bắt nguồn từ nam giới.

Điều trị vô sinh nam:

  • Phẫu thuật: Có những trường hợp cần phẫu thuật khối tĩnh mạch trong dây sinh tinh hoặc sửa chữa ống dẫn tinh bị tắc nghẽn giúp lưu thông trở lại. Trong trường hợp không có tinh trùng trong quá trình xuất tinh thì tinh trùng thường được lấy trực tiếp từ tinh hoàn hoặc mào tinh hoàn bằng cách sử dụng các kỹ thuật lấy tinh trùng.
  • Điều trị nhiễm trùng: Đây là phương pháp điều trị bằng kháng sinh có thể chữa khỏi hẳn các bệnh nhiễm trùng đường sinh sản, nhưng không phải lúc nào cũng có thể phục hồi khả năng sinh sản.
  • Phương pháp điều trị liên quan đến các vấn đề về quan hệ tình dục: Phương pháp này sử dụng với những trường hợp bị rối loạn cương dương hoặc xuất tinh sớm có thể dùng thuốc hoặc tư vấn của bác sĩ để cải thiện khả năng sinh sản.
  • Điều trị bằng hormone và thuốc: Bác sĩ có thể đề nghị thay thế hormone hoặc thuốc trong trường hợp vô sinh nam là do mức độ cao hay thấp của hormone; hoặc các vấn đề liên quan đến cách cơ thể đáp ứng các hormone đó.
  • Hỗ trợ sinh sản (ART). Phương pháp này bao gồm lấy tinh trùng thông qua xuất tinh bình thường hoặc từ các các cá nhân hiến tặng. Điều này sẽ tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể và mong muốn của đối tượng. Sau đó, tinh trùng được đưa vào đường sinh dục nữ hoặc được sử dụng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.