Viêm tụy cấp

Đại cương về viêm tụy cấp

Định nghĩa

Viêm tụy cấp (VTC) là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của nhu mô tụy bao gồm cả các thương tổn kèm theo ở nhiều mức độ khác nhau của các cơ quan lân cận cũng như các biến chứng toàn thân.

Dịch tễ học

Viêm tụy cấp ngày càng phổ biến với tần suất mắc vào khoảng 25 – 75 trường hợp/100.000 dân/năm, trong đó 10-30% là VTC nặng.

Nguyên nhân

Do rượu gây viêm tụy cấp và viêm tụy mạn.

Tắc nghẽn: sỏi ống mật chủ, u tụy hay u bóng Vater, giun chui ống mật hoặc dị vật…

Sau phẫu thuật bụng sau nội soi và chụp đường mật tụy ngược dòng.

Chấn thương đụng dập phần tụy

Nhiễm trùng: quai bị, viêm gan siêu vi, giun đũa.

Do thuốc.

Ổ loét dạ dày tá tràng thủng dính vào tụy.

Túi thừa tá tràng.

Ống tụy chia đôi.

Khoảng 10-15%  các trường hợp không tìm ra nguyên nhân

uống rượu bia là nguyên nhân gây viêm tụy cấp

Uống rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tụy cấp

Triệu chứng lâm sàng

– Đau bụng: chủ yếu đau vùng thượng vị, đau dữ dội, đột ngột sau bữa ăn thịnh soạn. Đau thường kéo dài, lan ra sau lưng, hoặc hạ sườn 2 bên.

– Nôn và buồn nôn: thường xảy ra sau đau, nôn xong không đỡ hay hết đau (khác viêm dạ dày cấp), thường nôn ra dịch dạ dày, dịch mật, thể nặng có thể nôn ra dịch máu loãng.

nôn buồn nôn là triệu chứng viêm tụy cấp

– Chướng bụng và bí trung đại tiện: nhất là với các thể viêm tụy cấp hoại tử nặng, một số trường hợp lại đi ngoài lỏng nhiều lần.

– Khi thăm khám bác sĩ có thể thấy: Bụng chướng nhẹ, phản ứng thành bụng, không có co cứng thành bụng, nhu động ruột giảm hoặc mất do liệt ruột, gõ đục vùng thấp (dịch tự do ổ bụng), các dấu hiệu của nguyên nhân như tắc mật…

– Ngoài ra tùy bệnh cảnh bệnh nhân có thể có: rối loạn ý thức, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, sốt, thiểu niệu hoặc vô niệu…

Biến chứng

Tại chỗ

+ Áp xe tụy: Nhiễm trùng nặng, sốt cao 39 – 400C kéo dài trên 1 tuần, vùng tụy rất đau, khám có mảng gồ lên rất đau, xác định bằng siêu âm hay chụp cắt lớp tỷ trọng.

+ Nang giả tụy: Vào tuần thứ 2 – 3, khám vùng tụy có khối ấn căng và tức, amylase còn cao 2 – 3 lần, siêu ân có khối echo trống, chụp cắt lớp tỷ trọng có dấu hiệu tương tự.

+ Báng do thủng hay vỡ ống tụy hay nang giả tụy vào ổ bụng trong trường hợp viêm tụy cấp xuất huyết do hoại tử mạch máu làm xuất huyết trong ổ bụng.

Toàn thân

+ Phổi: Có tràn dịch nhất là đáy phổi trái, xẹp phổi hay viêm đáy phổi trái biến chứng nặng nề nhất là hội chứng suy hô hấp ở người lớn.

+ Tim mạch: Giảm huyết áp hay sốc mà nguyên nhân do phối hợp nhiều yếu tố nhiễm trùng nhiễm độc, xuất huyết và thoát dịch.

+ Máu: Có thể gây ra hội chứng đông máu nội mạch (CIVD) như trong trường hợp viêm ruột xuất huyết hoại tử.

+Tiêu hóa: Viêm loét dạ dày tá tràng cấp, như là một biến chứng Stress do đau hay nhiễm trùng, nhiễm độc và thường biểu hiện dưới dạng xuất huyết. Thuyên tắc tĩnh mạch cửa.

+ Thận: Thiểu hay vô niệu do suy thận chức năng do giảm thể tích tuần hoàn, hoại tử thận và thượng thận là một biến chứng ít gặp do viêm lan từ tụy. Viêm tắc tĩnh mạch và động mạch thận là biến chứng nằm trong bệnh cảnh chung của viêm tắc mạch.

+ Biến chứng chuyển hóa: Tăng đường máu hay hạ calci máu.

Cận lâm sàng

– Amylase máu: Thường tăng 4 đến 12h sau khi đau, trong viêm tụy cấp thể phù Amylase thường giảm sau 3 – 4 ngày, trong viêm tụy cấp phải tăng trên 3 lần bình thường.

– Amylase niệu: Amylase được hấp thu và thải trừ qua đường tiểu, do đó thường tăng chậm hơn sau 2 – 3ngày, thường cao nhất vào ngày thứ 4 – 5 và kéo dài 5 – 7 ngày.

– Lipase máu: Thường tăng song song với Amylase máu nhưng đặc hiệu hơn.

– Đường máu: Lúc đầu do sự phóng thích Glucagon nên có thể làm tăng đường máu hay do hoại tử đảo Langerhans, đường máu có thể lớn hơn 11 mmol/l . Đường máu tăng tiên lượng nặng.

– Calci máu: Có giảm trong viêm tụy cấp nặng thường xuất hiện ngày thứ 2 – 3 và kéo dài một vài tuần, calci máu < 2mmol/l là tiên lượng nặng.

– LDH: Tăng trong viêm tụy cấp hoại tử khi LDH > 350Ul/l thì có nghĩa là tiên lượng nặng.

– Khí máu động mạch: Toan máu trong trường hợp nặng.

– Công thức máu: Bạch cầu trung tính cao, nhất là viêm tụy cấp do giun và sỏi, khi bạch cầu >16000/mm3 là yếu tố nặng.

– Siêu âm tụy: Tụy lớn, cấu trúc nghèo hơn bình thường, siêu âm còn giúp phát hiện dịch trong ổ bụng, giun, sỏi hay các biến chứng của nó như áp-xe và nang giả tụy.

– Chụp cắt lớp tỷ trọng (CT Scanner): có 5 giai đoạn: A (Không phát hiện bất thường), B (Tụy lớn khu trú hoặc lan tỏa), C (Viêm nhẹ quanh tụy), D (Tụ dịch khu trú). E (Tụ dịch ít nhất ở 2 vùng). Có ý nghĩa tiên lượng.

– X quang: thường ít giá trị trong chẩn đoán viêm tụy cấp, trong trường hợp liệt ruột nhiều có thể có hình ảnh quai ruột gác.

Biện pháp phòng ngừa

Hầu hết các trường hợp viêm tụy cấp là do lạm dụng rượu, thuốc lá, do đó để phòng ngừa bệnh, cần uống có trách nhiệm hoặc không uống rượu. Nếu nghiện rượu, thuốc lá thì người bệnh cần được nhân viên y tế hỗ trợ cai rượu.

Viêm tụy cấp cũng thường do sỏi mật, vì vậy để ngăn ngừa sỏi mật, bạn cần chọn một chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều loại trái cây tươi, rau củ quả Duy trì cân nặng khỏe bằng việc ăn ít chất béo: ăn uống hạn chế chất béo bằng việc ăn nhiều bánh mì nguyên hạt, yến mạch và gạo nâu để giảm lượng cholesterol trong cơ thể bạn. Đồng thời, mỗi ngày bạn nên dành riêng từ 15 đến 30 phút để tập thể dục, giảm nguy cơ phát triển bệnh này.

Tẩy giun định kỳ.

Tây y điều trị bệnh viêm tụy cấp

Phân loại

Viêm tụy cấp thể phù

Viêm tụy cấp thể hoại tử

Điều trị

2.1. Nguyên tắc chung:

Điều trị nội khoa tích cực, theo dõi sát để có chỉ định can thiệp phẫu thuật kịp thời.

2.2. Điều trị bảo tồn:

* Giai đoạn đầu của viêm tụy cấp là phù nề, điều trị nội khoa ở giai đoạn này phần lớn có kết quả tốt: ngay cả khi viêm tụy cấp phù nề có xuất huyết nhẹ cũng có thể điều trị khỏi không phải mổ. Điều trị bảo tồn bao gồm:

– Giảm bài tiết của tụy: Atropin, Sandostatin…

– Giảm đau.

– Chống nhiễm độc nhiễm trùng.

– Hồi sức chống sốc, tuần hoàn, hô hấp, nội tiết, điện giải và các rối loạn toàn thân khác.

– Nhịn ăn, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.

– Theo dõi sát tình hình diễn biến của bệnh để chuyển mổ cấp cứu khi có chỉ định.

2.3. Can thiệp phẫu thuật

Cần phẫu thuật trong các trường hợp sau:

– Bệnh tiến triển nặng dần có biểu hiện đe doạ hoại tử tổ chức tụy, trên lâm sàng thấy:

+ Tình trạng nhiễm độc tăng.

+ Đau không giảm, phản ứng cơ thành bụng tăng.

+ Xét nghiệm Amylaza máu và nước tiểu không giảm, thậm chí tăng hơn mặc dù điều trị nội khoa tích cực.

+ Có thể Amynaza máu và nước tiểu giảm nhưng tình trạng nhiễm độc tăng, phản ứng thành bụng tăng là một biểu hiện xấu, chứng tỏ tế bào tụy  hoại tử trầm trọng với diện rộng.

– Viêm tụy cấp do bệnh lý đường mật: tắc mật có viêm tụy cấp.

– Có nghi ngờ trong chẩn đoán: nghi có thủng dạ dày tá tràng, nghi viêm túi mật hoại tử, nghi tắc ruột (mổ có tính chất thăm dò).

– Viêm tụy cấp có biến chứng: hoại tử xuất huyết, áp xe tụy.

Các kỹ thuật có thể lựa chọn:

Mức độ phẫu thuật tùy thuộc vào tổn thương cụ thể trên từng bệnh nhân và do phẫu thuật viên quyết định :

– Sau khi mở ổ bụng, lau rửa hết dịch tiết.

– Mở vào hậu cung mạc nối thăm dò tổn thương.

– Xử trí các tổn thương cụ thể ở tụy:

+ Dẫn lưu tụy và ổ bụng.

+ Làm phẫu thuật bổ trợ nếu thấy cần thiết như: dẫn lưu túi mật, ống mật chủ …)

+ Kiểm tra, lau sạch ổ bụng, đóng bụng.

Một số tình huống cụ thể:

Nếu tụy phù nề không có hoại tử:

+ Phóng bế tụy bằng Novocain 0,25% .

+ Mở bao tụy khi phù nề nhiều. Mở bao tụy để làm giảm áp và cải thiện tuần hoàn tổ chức, đề phòng hoại tử,  cần chú ý: bao tụy viêm dày dính với tổ chức tụy và  khi mở bao tụy dễ có rò tụy nên phải dẫn lưu tốt.

Viêm tụy có hoại tử:

+ Mở rộng bao tụy kiểm tra. Chú ý động mạch lách.

+ Lấy bỏ hoại tử.

+ Cầm máu cẩn thận.

+ Phóng bế tụy.

+ Dẫn lưu tụy và ổ bụng .

+ Dẫn lưu túi mật hoặc ống mật chủ.

Nếu bị hoại tử hết thân và đuôi tụy: phải cắt thân, đuôi tụy cùng với cắt lách, đôi khi phải cắt hết tụy nếu hoại tử hoàn toàn, nhưng khó thực hiện được vì tình trạng bệnh nhân không cho phép và chỉ dẫn lưu tụy, nhét mèche tăng cường, lau rửa và dẫn lưu ổ bụng.

Đông y điều trị bệnh Viêm tụy

Bài 1: Xích đậu 150g, đậu xanh 150g, sinh ý dĩ nhân 50g, thêm nước vừa đủ, nấu canh uống nhạt, mỗi giờ 50ml, cả ngày đêm, dùng cho người viêm tuyến tụy cấp tính loại phù và viêm tuyến tụy mạn tính phát cơn tái phát cấp tính, có công dụng giải nhiệt giải độc thông ẩm .

Bài 2: Mướp già 1500g, rửa sạch giã lấy nước uống, mỗi giờ 50ml, cả ngày đêm, dùng cho người viêm tuyến tụy phát cơn cấp tính.

Bài 3: Lông ngỗng 20g, trong nồi nhôm sao xém (không cho mỡ ), nghiền bột, đậu phụ 50g, sắc nước chiêu uống, chia 2 lần uống hết , dùng cho người viêm tuyến tụy phát cơn cấp tính .

Bài 4: Miết giáp (mai ba ba) 1 cái, đốt tồn tính, nghiền bột mịn, uống với dầu vừng, mỗi lần 0,3g, ngày 3 lần, sau bữa ăn, dùng cho người bệnh viêm tuyến tụy mạn tính .

Bài 5: Khoai môn 250g, rửa sạch, giã sống lấy nước, dùng nước sôi ngâm nóng, mỗi lần uống 50ml, số lần dựa theo tình trạng bệnh mà xác định. Hoặc khoai môn thêm nước đun nhạt, uống cũng được, dùng cho người bệnh viêm tuyến tụy cấp, mạn tính, loại xuất huyết hoạt tử giai đoạn thuyên giảm, nếu không có cấm kị, cũng có thể chọn dùng.