Nội dung bài viết
Đại cương Ung thư vòm họng
Định nghĩa
Ung thư vòm mũi họng là khối u ác tính xuất phát từ lớp biểu mô phủ vùng vòm mũi họng, đây là phần cao nhất của vòm hầu, ngay phía sau của mũi. Ung thư vòm thường được phát hiện muộn do tiến triển âm thầm, các triệu chứng của bệnh không đặc thù, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Hơn nữa, vùng vòm ở sâu, không dễ tiếp cận để thăm khám với các bác sĩ không phải chuyên khoa. Các triệu chứng của bệnh thường là các triệu chứng “mượn” của cơ quan lân cận và thường biểu hiện ở một bên.

Dịch tễ học
Ung thư vòm họng là một trong 10 loại ung thư thường gặp nhất. Việt Nam là một trong những nước nằm trong vùng dịch tễ bệnh. Hai khoảng tuổi thường bị là 30-40 và 50-60, tuy nhiên trẻ em cũng có thể mắc bệnh. Nam giới bệnh nhiều gấp 3 lần nữ. Phát hiện bệnh càng sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao. Ở giai đoạn 1, 2 có thể chữa khỏi bệnh đến 90% trong 5 năm.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của Ung thư vòm họng
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng cao có thể kể đến là:
- Giới tính. Ung thư vòm họng thường gặp ở nam hơn ở nữ.
- Chủng tộc. Đây là loại ung thư thường xảy ra với người châu Á và Bắc Phi
- Tuổi. Ung thư vòm họng có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào, nhưng hầu hết được chẩn đoán ở người trưởng thành từ 30 đến 50 tuổi
- Người thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, hóa chất, tia phóng xạ, cao su, nhựa tổng hợp,…
- Ăn nhiều cá muối, thức ăn lên men như đồ muối chua, thịt hun khói: Thức ăn giàu các chất nitrosamine (thịt muối, thịt hun khói….) dễ bay hơi là một tác nhân sinh ung thư đã được biết tới, gây ung thư biểu mô mũi, xoang trên thực nghiệm.
- Hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, sử dụng chất kích thích.
- Có tiền sử người thân trong gia đình (cha/mẹ/anh chị em) bị ung thư vòm họng.
Triệu chứng lâm sàng Ung thư vòm họng
- Các dấu hiệu của ung thư vòm họng có thể khó xác định trong giai đoạn đầu của bệnh do nhiều triệu chứng liên quan với các bệnh lý tai mũi họng thông thường nên người bệnh và thầy thuốc dễ chủ quan và bỏ qua. Các triệu chứng thường xảy ra ở một bên. Đôi khi có xuất hiện hạch cổ ngay từ đầu, hạch nhỏ không đau.
- Các dấu hiệu muộn: Thường có sau 6 tháng kể từ khi có triệu chứng đầu tiên do khối u phát triển tại chỗ hoặc xâm lấn gây ra.
- Triệu chứng hạch cổ: phổ biến nhất là vị trí hạch cổ cao, đặc biệt là hạch cổ sau trên.
- Triệu chứng mũi: ngạt tắc mũi, chảy máu mũi, hay xì ra nhày lẫn máu do u lớn gây bít tắc hoặc do hoại tử u.
- Triệu chứng tai: phổ biến nhất là mất nghe một bên do u làm tắc vòi Eustachio dẫn tới viêm tai thanh dịch. Sự mất chức năng của vòi Eustachio có thể là kết quả từ sự xâm lấn các cơ nuốt hoặc liệt các cơ mở họng.
- Triệu chứng mắt: vào giai đoạn muộn khi u xâm lấn rộng sẽ gây chèn ép làm tổn thương dây thần kinh chi phối vận động mắt, khi đó bệnh nhân có biểu hiện lác, nhìn đôi, sụp mi, giảm hoặc mất thị lực.
Biến chứng
Biến chứng ung thư vòm họng có thể bao gồm:
- Ung thư phát triển xâm lấn những cấu trúc lân cận. Ung thư vòm họng giai đoạn muộn có thể gây ra biến chứng nếu ung thư phát triển đủ lớn để xâm lấn những cấu trúc lân cận như họng, xương và não.
- Ung thư có thể lan sang những khu vực khác của cơ thể. Ung thư vòm họng thường lan (di căn) xa hơn mũi họng. Hầu hết những người bị ung thư vòm họng đều có di căn vùng. Có nghĩa là các tế bào ung thư trong khối u ban đầu di chuyển sang những khu vực kế cận như hạch bạch huyết ở cổ. Tế bào ung thư có thể lan đến những phần khác của cơ thể (di căn xa) thường là di căn đến xương, phổi, và gan.
Cận lâm sàng
Các xét nghiệm thường được sử dụng trong chẩn đoán ung thư vòm họng bao gồm:
- Nội soi NBI: Nội soi NBI có thể phát hiện tình trạng tăng sinh mạch máu trong các trường hợp ung thư vòm họng giai đoạn sớm, khi mà khối u còn khu trú, chưa có hạch di căn. Từ đó giúp kết quả điều trị đạt kết quả tốt hơn và tăng tỷ lệ khỏi bệnh.
- Sinh thiết: Sinh thiết vòm họng qua thiết bị nội soi, đặc biệt dưới nội soi NBI sẽ cho kết quả chính xác hơn vì khối u được quan sát rõ nét hơn. Người thực hiện thủ thuật có khả năng lấy được mô tế bào ở vị trí tế bào ung thư đang phát triển mạnh.
- Chọc hút hạch làm FNA: Chọc hút hạch cổ gửi sinh thiết và chẩn đoán mô bệnh học để xác định và đánh giá mức độ ung thư.
- Chụp CT Scanner hay chụp MRI: Chụp CT Scanner giúp đánh giá mức độ xâm lấn của khối u thông qua hình chụp.
- Xét nghiệm sinh hoá: Thử các phản ứng huyết thanh IgA/VCA; IgA/EA; IgA/EBNA trước, trong và sau điều trị để đánh giá tiên lượng bệnh.

Chẩn đoán Ung thư vòm họng
- Khám sức khỏe tổng quát để kiểm tra các dấu hiệu của bệnh và trao đổi về bệnh sử trước đây của người bệnh.
- Nội soi vòm mũi họng.
- Chụp X-quang, CT, MRI, chụp cắt lớp phát xạ positron (PET).
- Sinh thiết: Bác sĩ lấy mẫu mô nhỏ khi nội soi mũi và xem các tế bào hoặc mô dưới kính hiển vi nhằm phát hiện các dấu hiệu ung thư vòm họng.
- Siêu âm vùng cổ đề phát hiện di căn hạch, gan, lách, di căn xa
Biện pháp phòng ngừa Ung thư vòm họng
Để dự phòng ung thư vòm họng cần duy trì một lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học, cụ thể như sau:
- Không hút thuốc lá: nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng việc không hút thuốc là có thể làm giảm được đáng kể nguy cơ gây lên ung thư vòm họng. Nếu như bạn có hút thuốc lá, lời khuyên tốt nhất là bỏ thuốc trong thời gian sớm nhất để đảm bảo sức khỏe.
- Hạn chế sử dụng bia, rượu và các loại đồ uống có chứa cồn trong sinh hoạt hàng ngày.
- Không nên ăn nhiều các thực phẩm được chế biến theo phương thức lên men như: thịt muối, dưa muối, cà muối…
- Không ăn thức ăn khi còn nóng tránh gây tổn thương đến vùng hầu họng.
- Luyện tập thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe.

Tây y điều trị bệnh Ung thư vòm họng
Bác sĩ và bệnh nhân cùng trao đổi với nhau để chọn kế hoạch điều trị dựa vào nhiều yếu tố như giai đoạn ung thư, mục tiêu điều trị, thể trạng của bệnh nhân và những tác dụng phụ mà bệnh nhân có thể chịu đựợc. Điều trị ung thư vòm họng thường bắt đầu bằng bằng xạ trị hoặc phối hợp xạ trị và hóa trị.
Điều trị cụ thể
Xạ trị
- Xạ trị sử dụng các tia năng lượng cao như tia X để phá hủy tế bào ung thư. Xạ trị ung thư vòm họng thường được thực hiện theo một phương pháp được gọi là chiếu tia ngoài. Khi xạ trị, bệnh nhân nằm dài trên một bàn phẳng, máy xạ xoay chuyển xung quanh phát tia nhắm đúng vào vị trí ung thư của bệnh nhân.

- Đối với ung thư vòm họng giai đoạn sớm xạ trị vẫn là biện pháp quan trọng nhất có thể chữa khỏi với tỉ lệ sống thêm 5 năm đạt tới 97 -100%. Đối với ung thư vòm họng giai đoạn tiến triển tại chỗ thì xạ trị đơn thuần cho thấy tỉ lệ tái phát và di căn sau điều trị rất cao, thời gian sống thêm 5 năm thấp từ 10% – 40%.
- Xạ trị có nguy cơ gây ra những tác dụng phụ, bao gồm đỏ da tạm thời, suy giảm thính lực và khô miệng.
- Một loại xạ trị khác, là hình thức chiếu tia bên trong (liệu pháp tia phóng xạ để gần), đôi khi được sử dụng trong ung thư vòm họng tái phát. Với trị liệu này, những hạt phóng xạ hoặc dây phóng xạ được đặt vào trong khối u hoặc rất gần với khối u.
Hóa trị
- Hóa trị là một điều trị bằng thuốc có sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể là thuốc viên, hoặc được tiêm qua tĩnh mạch hoặc cả hai.
- Xu hướng mới hiện nay là hoá- xạ trị kết hợp đối với bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển tại vùng bao gồm:
- Hóa trị được thực hiện cùng lúc với xạ trị: Khi hai phương pháp này được kết hợp, hóa trị có thể làm tăng hiệu quả của xạ trị. Điều trị kết hợp được gọi là liệu pháp đồng thời hay xạ hóa trị, Tuy nhiên tác dụng phụ của hóa trị cộng thêm tác dụng phụ của xạ trị, làm cho liệu pháp đồng thời này trở nên khó chịu đựng hơn.
- Hóa trị sau xạ trị: Bác sĩ có thể đề nghị hóa trị sau xạ trị hoặc sau liệu pháp đồng thời. Hóa trị được dùng để tiêu diệt bất cứ tế bào ung thư nào còn lại trong cơ thể, kể cả những tế bào ung thư có thể đã bị vỡ ra từ khối u ban đầu và lan đến những nơi khác. Vẫn còn một số tranh cãi về việc bổ sung hóa trị có thực sự cải thiện khả năng sống của bệnh nhân ung thư vòm họng hay không. Nhiều người đã trải qua hóa trị sau liệu pháp đồng thời không có khả năng chịu đựng được những tác phụ và phải ngưng điều trị.
- Hóa trị trước xạ trị: Hóa trị hỗ trợ mới là hóa trị được thực hiện trước xạ trị đơn thuần hoặc trước liệu pháp đồng thời. Cần nghiên cứu thêm để xác định hóa trị hỗ trợ mới có thể cải thiện tỉ lệ sống ở người bị ung thư vòm mũi họng hay không.
Bác sĩ sẽ quyết định cho bệnh nhân được điều trị thuốc hóa trị nào và trong khoảng cách bao lâu. Những tác dụng phụ có thể xảy ra tùy thuộc vào những thuốc mà bệnh nhận được điều trị

Phẫu thuật
Phẫu thuật không có vai trò quá quan trọng trong điều trị triệt căn vì vòm họng thông tường ở vị trí hẹp, thường chỉ áp dụng để sinh thiết hạch chẩn đoán mô bệnh học hoặc lấy hạch còn lại sau khi xạ trị.
Đông y hỗ trợ điều trị bệnh Ung thư vòm họng
Món ăn bài thuốc chữa ung thư vòm họng
- Thạch thược bách toàn thảo dùng khô 5 tiền 2 lạng, cho thêm 1-2 lạng thịt nạc lợn hoặc mấy quả táo tàu, nước sạch 8-9 bát, sắc trong 6 giờ để còn khoảng 1 bát nước, uống mỗi ngày 1 thang.
- Ý dĩ nhân lượng vừa đủ, nấu thành cháo ăn bình thường.
- Gạo tẻ 30-50g, ngưu bàng 30g, đem gạo tẻ nấu thành cháo lại lấy ngưu bàng nấu thành canh, cho vào trong cháo đậu, ăn nóng hoặc để nguội ăn đều được.
- Vỏ qủa dưa hấu 30g, cho thêm 2 bát nước, nấu còn một bát nước, chia ra uống 2 lần trong ngày, uống mấy ngày liền.
- Nước mướp, một quả già, đường trắng 500g, mướp rửa sạch bỏ hạt, thái nhỏ, cho lượng nước vừa phải vào nấu trong 1 giờ, bỏ bã tiếp tục đun nhỏ lửa nước mướp đó cho đến khi đặc sánh lại, nồi sắp khô, rút lửa ra để nguội, trộn vào một ít đường trắng khô cho rút hết nước săc, khuấy đều hong khô, khuấy đều hong khô, nghiền vụn ra bỏ vào trong lọ để dùng. Không câu nệ về thời gian, mỗi lần uống 10g, hoà tan bằng nước sôi, uống nhiều lần trong ngày thay trà, có tác dụng nhất định đối với việc giảm đau.