Tràn khí màng phổi: nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

tràn khí màng phổi

Bệnh tràn khí màng phổi là gì?

Định nghĩa

Tràn khí màng phổi là tình trạng khí lọt vào giữa hai lá màng phổi làm xẹp phổi thụ động và ảnh hưởng tới hô hấp

Dịch tễ học

Tràn khí màng phổi tự phát thường gặp ở người trẻ từ 20-30 tuổi, tỷ lệ nam 4/1 so với nữ. Theo Salmeron (1995) thì tỷ lệ hàng năm của tràn khí màng phổi là 9/100.000 dân, tái phát > 28% .

Khoảng 20% tràn khí màng phổi là biến chứng của các bệnh nhiễm trùng phổi .

Khoảng 40% tràn khí màng phổi do lao và 40% không rõ nguyên nhân.

25% tràn khí màng phổi tái phát sau 2 năm, 50% tái phát sau 6 năm. Thường tràn khí màng phổi gặp trong cơn hen nặng

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây tràn khí màng phổi nguyên phát hay thứ phát.

Tràn khí màng phổi nguyên phát

+ Vỡ bóng khí trên màng phổi.

+ Viêm phế nang do virus

+ Thường xảy ra  ở người có tiền sử hút thuốc lá, gắng sức, ho mạnh, stress…

Tràn khí màng phổi thứ phát

+ Lao phổi.

+ Nhiễm khuẩn  phế quản –  phổi (20%).

+ COPD

+ Trong cơn hen phế quản.

+ Ung thư phế quản thâm nhập hay di căn màng phổi.

+ Viêm phổi hoại tử

Tràn khí màng phổi do chấn thương, thủ thuật thăm dò

+ Chấn thương thủng lồng ngực, gãy xương sườn làm thủng phổi.

+ Thủ thuật chọc dò màng phổi, sinh thiết màng phổi, đặt nội khí quản, chấm cứu.

+ Chọc tỉnh mạch dưới đòn.

Yếu tố nguy cơ

Giới tính: tỉ lệ lớn người mắc bệnh là nam giới

Hút thuốc: khói thuốc lá là tác nhân quan trọng gây nên các bệnh lý hô hấp, trong đó có tràn khí màng phổi

Di truyền: có những thể tràn khí màng phổi có nguyên nhân là yếu tố di truyền

Tiền sử các bệnh liên quan đến nhiễm trùng phổi hoặc tràn khí màng phổi

Triệu chứng lâm sàng     

Triệu chứng cơ năng và toàn thân

+ Khởi phát đột ngột, đau ngực dữ dội

+ Khó thở cảm giác ngột ngạt, triệu chứng khó thở phụ thuộc vào mức độ tràn khí và bệnh phổi có trước đó.

+  Có thể ho khan .

+ Toàn thân có thể bình thường hoặc sốt. Nếu tràn khí màng phổi mức độ nhiều (tràn khí van) khó thở nặng, có biểu hiện suy hô hấp cấp: tím tái, vật vã, mạch nhanh, huyết áp tụt (tình trạng sốc) .

 Triệu chứng thực thể

+ Nhìn: Lồng ngực mất cân đối, bên tràn khí phồng to hơn, ít di động hơn

+ Sờ: Rung thanh bình thường hoặc mất

+ Gõ: Gõ vang vùng có tràn khí, rung thanh giảm hoặc mất, có thể gõ đục vùng thấp nếu có tràn dịch hoặc máu kèm theo

+ Nghe:Rì rào phế nang giảm hoặc mất.

Biến chứng

Các biến chứng do tràn khí màng phổi có thể gây xẹp phổi, suy hô hấp, tràn khí dưới da, nhưng đáng lo ngại nhất là tràn khí màng phổi trung thất. Bởi vì, các động mạch, tĩnh mạch phổi, quai động mạch chủ, các dây thần kinh trong khu vực trung thất, tim bị khí trực tiếp đè ép gây suy hô hấp, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Đặc biệt tràn khí trung thất gặp ở bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc hen suyễn

Cận lâm sàng

Xquang phổi là chủ yếu

+ Hình ảnh tăng sáng không có vân của phổi, thấy phổi bị ép lại, nhìn thấy đường viền màng phổi tạng rõ nét, có khi thu nhỏ thành một cục giống u ở vùng rốn phổi, gian sườn giãn, đẩy tim và trung thất, vòm hoành hạ thấp .

x-quang phổi

Hình ảnh tràn khí màng phổi trên phim x-quang

+ Nếu tràn khí màng phổi ít, chỉ định chụp tư thế thở ra cố sẽ phát hiện rõ hình ảnh tràn khí màng phổi .

+ Cần phân biệt tràn khí màng phổi với bóng khí phế thũng lớn trên Xquang vì nếu ta dẫn lưu nhầm bóng khí phế thũng sẽ gây dò phế quản-màng phổi.

+ Trên phim Xquang, tràn khí màng phổi thì bờ màng phổi tạng lồi về thành ngực, ngược lại thành bóng khí phế thũng thì lõm. Có thể dựa vào dấu hiệu Bernou (ở phần trước) để phân biệt .

  •  Chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao phát hiện bóng khí dưới màng phổi ở đỉnh phổi .
  • Soi màng phổi: Khi có chỉ định dẫn lưu màng phôỉ, cần soi màng phổi xác định chính xác nguyên nhân tràn khí và qua ống soi có thể điều trị điện đông hoặc chỉ định phẫu thuật .

Biện pháp phòng ngừa

Không có cách nào để phòng ngừa bệnh tràn khí màng phổi tự phát. Tuy nhiên, có một số biện pháp ngăn ngừa việc tái phát bệnh này. Đó là những biện pháp rất quan trọng do bệnh hoàn toàn có thể tái phát trong vòng 2 năm sau khi được điều trị khỏi. Tỷ lệ tái phát là khoảng 30% bệnh nhân.

Bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp sau để ngăn ngừa bệnh tái phát:

+ Dừng hút thuốc

+ Tránh lặn sâu

+ Khi đi máy bay cần có dẫn lưu màng phổi

Ngoài ra nên tham vấn ý kiến của nhân viên y tế để giảm nguy cơ xẹp phổi tái phát.

Tây y điều trị bệnh Tràn khí màng phổi

Nguyên tắc điều trị

Chỉ định điều trị tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân và mức độ TKMP. Với TKMP lượng ít và không triệu chứng thì sẽ được hấp thụ trong vài ngày

Điều trị cụ thể

1.1 Điều trị tràn khí

Mục đích là làm cho nhu mô phổi giãn ra, tránh suy hô hấp cấp vì xẹp phổi. Phương pháp chủ yếu là hút khí màng phổi bằng bơm tiêm, vị trí thường chọn là gian sườn II trên đường giữa đòn. Tùy theo loại tràn khí mà có chỉ định khác nhau.

– Tràn khí màng phổi kín: thông thường thì khí tự hấp thụ trở lại sau một thời gian, nếu 3-4 ngày sau mà lượng không giảm khí thì có thể dùng bơm tiêm lớn và kim để hút, không nên hút sớm, và chỉ hút từ từ, lượng ít để tránh gây shock do thay đổi vị trí các tạng hoặc giảm áp đột ngột.

– Tràn khí màng phổi mở: phải dẫn lưu màng phổi bằng catheter với áp lực âm, đưa vào liên sườn II đường giữa đòn hay liên sườn 4-5 ở đường nách trước, đưa ống thông về phía đỉnh phổi, hoặc dùng máy hút (-20 đến 40 cm H20). Sau 3-5 ngày thì kẹp ống thông lại: 24-48 giờ để xem tràn khí có trở lại hay không, theo dõi mạch, nhiệt, huyết áp và kiểm tra bằng Xquang để đánh giá.

– Tràn khí màng phổi có van: đây là một cấp cứu nội khoa nên phải tiến hành nhanh.

+ Nếu không có điều kiện thì dùng kim lớn chọc vào màng phổi ở vị trí đã nêu nối với dây truyền huyết thanh đưa vào một bình chứa NaCl 0,9%, nhưng đặt thấp hơn giường 10-15 cm.

+ Nếu được dùng kim loại 14-16 Giờ để chọc hút qua máy liên tục, áp lực hút -15 cmH2O

1.2. Điều trị triệu chứng

– Nghỉ ngơi tại giường trong giai đoạn cấp, cho nằm tư thế fowler nếu có suy hô hấp cấp .

– Tránh lo âu, xúc động: Phải được yên tĩnh, có thể dùng thêm thuốc an thần như Seduxen hay Diazépam, Valium 5 mg x 1-2 viên/ngày nhưng phải lưu ý bệnh nhân có suy hô hấp mạn

– Không làm việc gắng sức sau cơn cấp

– Ăn nhẹ dễ tiêu, ngưng hút thuốc

– Giảm đau: nếu đau nhiều có thể dùng Paracetamol hay Acetamynophen 500 mg x 3-4 viên/ngày

– Giảm ho: vì ho có thể làm đau ngực tăng lên hay làm khó thở: dùng loại ức chế ho như: Paxeladin 3 viên/ngày (không ức chế trung tâm hô hấp)

– Thở oxy qua sond mũi liều trung bình 2-3 lít/phút nếu có suy hô hấp nhưng phải lưu ý loại tràn khí có van hay không có van

– Kháng sinh: thường tràn khí màng phổi sẽ bị bội nhiễm do vi khuẩn từ không khí hay từ phế quản phổi vào màng phổi. Nên dùng kháng sinh đường toàn thân và loại có phổ khuẩn rộng như Cefalosporin III: 3-4 g/24 giờ tiêm bắp hay tĩnh mạch

– Chống sốc và truỵ tim mạch, nâng huyết áp, trợ tim

1.3. Điều trị nguyên nhân

– Do lao: dùng phác đồ chống lao (2SRZH/6HE)

– Do vi khuẩn: dùng kháng sinh. Tuỳ theo nguyên nhân mà điều trị thích hợp

1.4. Phẫu thuật

Thắt buộc các bóng khí, khâu lỗ thủng, Chỉ định khi:

– Dẫn lưu sau 1 tuần không kết quả.

– Tràn khí-tràn máu do đứt dây chằng đỉnh phổi.

– Tràn khí màng phổi tái phát sau khi đã gây dính màng phổi.

– Tràn khí màng phổi do chấn thương ngực.

1.5. Điều trị dự phòng tràn khí tái phát

– Có thể tìm thương tổn gây tràn khí màng phổi bằng phương pháp nội soi để xác định như mổ kén khí, bịt lỗ thủng lá tạng…

– Làm dày dính màng phổi bằng bột talc, bột tetraxylin.