Nội dung bài viết
A. Đại cương thoái hóa khớp gối
1. Định nghĩa:
Thoái hoá khớp gối là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và huỷ hoại của sụn và xương dưới sụn.

2. Dịch tễ học:
Bệnh thường gặp ở nữ giới, chiếm 80% trường hợp thoái hóa khớp gối.
3. Nguyên nhân :
Theo nguyên nhân chia 2 loại thoái hóa khớp nguyên phát và thứ phát.
- Thoái hoá khớp nguyên phát:
Là nguyên nhân chính, xuất hiện muộn, thường ở người sau 60 tuổi, có thể ở 1 hoặc nhiều khớp, tiến triển chậm.
- Thoái hoá khớp thứ phát:
Sau các chấn thương khiến trục khớp thay đổi (gãy xương khớp, can lệch…); Các bất thường trục khớp gối bẩm sinh: khớp gối quay ra ngoài (genu valgum); Khớp gối quay vào trong (genu varum); Khớp gối quá duỗi (genu recurvatum…) hoặc sau các tổn thương viêm khác tại khớp gối (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lao khớp, viêm mủ, bệnh gút, chảy máu trong khớp – bệnh Hemophilie…
4. Yếu tố nguy cơ:
- Tuổi tác của cơ thể
- Chấn thương do chơi thể thao hoặc tai nạn giao thông
- Người thừa cân
- Không thường xuyên hoạt động thể dục
- Vận động gắng sức
- Chế độ ăn uống không khoa học
- Sử dụng thuốc corticoid không đúng cách
- Giới tính
5. Biến chứng:
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thoái hóa khớp gối sẽ để lại nhiều biến chứng cho người bệnh:
– Cứng khớp.
– Hạn chế vận động, đi lại khó khăn, thậm chí phải sử dụng nạng.
– Biến dạng khớp gối, chi dưới bị cong, vẹo vào trong hoặc ra ngoài.
– Teo cơ.
– Bại liệt, tàn phế, phải dùng đến xe đẩy hoặc ngồi xe lăn để hỗ trợ đi lại.
6. Triệu chứng lâm sàng:
– Đau khớp có tính chất cơ học, thường liên quan đến vận động: đau âm ỉ, tăng khi vận động, khi thay đổi tư thế, giảm đau về đêm và khi nghỉ ngơi
– Hạn chế vận động: các động tác của khớp khi bước lên hoặc xuống cầu thang, đang ngồi ghế đứng dậy, ngồi xổm, đi bộ lâu xuất hiện cơn đau…
– Biến dạng khớp: không biến dạng nhiều, biến dạng trong thoái hoá khớp thường do các gai xương tân tạo, do lệch trục khớp hoặc thoát vị màng hoạt dịch.
– Tiếng lục khục khi vận động khớp.
- Dấu hiệu “phá rỉ khớp”: là dấu hiệu cứng khớp buổi sáng kéo dài không quá 30 phút.
- Có thể sờ thấy các “chồi xương” ở quanh khớp.
- Teo cơ: do ít vận động
- Tràn dịch khớp: đôi khi gặp, do phản ứng viêm thứ phát của màng hoạt dịch.
7. Cận lâm sàng :
- X quang quy ước: có ba dấu hiệu cơ bản sau
– Hẹp khe khớp: khe không đồng đều, bờ không đều.
– Đặc xương dưới sụn: gặp ở phần đầu xương, trong phần xương đặc thấy một số hốc nhỏ sáng hơn.
– Mọc gai xương: ở phần tiếp giáp giữa xương, sụn và màng hoạt dịch. Gai xương có hình thô và đậm đặc, một số mảnh rơi ra nằm trong ổ khớp hay phần mềm quanh khớp.

- Siêu âm khớp: đánh giá tình trạng hẹp khe khớp, gai xương, tràn dịch khớp, đo độ dày sụn khớp, màng hoạt dịch khớp, phát hiện các mảnh sụn thoái hóa bong vào trong ổ khớp.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): phương pháp này có thể quan sát được hình ảnh khớp một cách đầy đủ trong không gian ba chiều, phát hiện được các tổn thương sụn khớp, dây chằng, màng hoạt dịch.
- Nội soi khớp: phương pháp nội soi khớp quan sát trực tiếp được các tổn thương thoái hoá của sụn khớp ở các mức độ khác nhau (theo Outbright chia bốn độ), qua nội soi khớp kết hợp sinh thiết màng hoạt dịch để làm xét nghiệm tế bào chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khớp khác.
- Xét nghiệm khác
– Dịch khớp: tế bào dịch khớp <2000 tế bào/ mm3 (N < 30%)
– Tốc độ lắng máu bình thường.
– CRP bình thường : CRP và tốc độ máu lắng tăng nếu khớp đang trong tình trạng viêm hoạt hóa
8. Biện pháp phòng ngừa
- Chống các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động.
- Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột, sai tư thế khi mang, vác.
- Chống béo phì bằng chế độ dinh dưỡng, thể dục.
- Kiểm tra định kỳ những người làm nghề lao động nặng để phát hiện và điều trị sớm.
B. Tây y điều trị bệnh thoái hóa khớp gối
1. Nguyên tắc điều trị:
- Giảm đau trong các đợt tiến triển.
- Phục hồi chức năng vận động của khớp, hạn chế và ngăn ngừa biến dạng khớp.
- Tránh các tác dụng không mong muốn của thuốc, lưu ý tương tác thuốc và các bệnh kết hợp ở người cao tuổi.
- Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
2. Điều trị nội khoa:
– Điều trị triệu chứng tác dụng nhanh:
+ Mục đích: giảm đau
- Paracetamol: 1-2g/ ngày, uống NSAID: Tiêm, uống, bôi, dán tại chỗ
- Chống viêm không steroids: Diclofenac, Meloxicam, Ibuprofen, Celecoxib, Etoricoxib,…
- Corticoid: Tiêm nội khớp, hạn chế sử dụng đường toàn thân Hydrocortison: 2-3 lần/ đợt, 5-7 ngày/ lần tiêm Methylprednisolon, Betamethason: 1 lần/ đợt, 6-8 tuần/ lần tiêm không quá 3 đợt/ năm
Lưu ý các chống chỉ định và tác dụng phụ của thuốc
– Nhóm thuốc điều trị tác dụng chậm:
- Glucosamine sulfate: sử dụng đường uống 1,5g/ ngày như viên 250 mg uống 4 viên/1ngày x 6-8 tuần hoặc gói 1,5g uống 1 gói/ngày x 4-6 tuần hoặc kéo dài hơn tùy đáp ứng.
- Chondroitin sulfate.
- Phối hợp giữa glucosamine và chondroitin.
- Diacerhein 50mg uống 1-3 viên/ngày.

- Bổ sung chất nhày dịch khớp
Bản chất là acid hyaluronic dưới dạng natri hyaluronat như Go On, Hyalgan, Hyasin…tiêm khớp gối với liệu trình 1 ống/gối/ tuần trong 3- 5 tuần liền.
- Tiêm huyết thanh tươi giàu tiểu cầu tự thân: Đây là một trong phương pháp mới điều trị thoái hóa khớp gối rất hiệu quả, chỉ định ở những bệnh thoái hóa khớp gối độ I, II, III.
3. Điều trị ngoại khoa:
Điều trị ngoại khoa thường được chỉ định với các trường hợp hạn chế chức năng nhiều, hoặc đau khớp kháng lại với các phương thức điều trị nội khoa.
- Điều trị dưới nội soi khớp
- Phẫu thuật thay khớp nhân tạo
C. Đông y điều trị bệnh Thoái hóa khớp gối
Đông y phối hợp giữa sử dụng thuốc với các phương pháp khác như xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, thay đổi lối sống,… để cải thiện cơn đau, làm chậm quá trình thoái hóa và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng thuốc đông y:
Các bài thuốc Đông y được sử dụng để điều trị thoái hóa khớp gối không chỉ giúp cải thiện triệu chứng lâm sàng mà còn hỗ trợ tăng cường lưu thông khí huyết, đưa tà khí ra ngoài, mạnh gân xương và bổ can thận. So với thuốc Tây, thuốc Đông y có hiệu quả chậm hơn, tác dụng tương đối hạn chế nhưng thường kéo dài và ít xảy ra hiện tượng phụ thuộc.
- Bài thuốc Độc hoạt tang ký sinh thang:
Độc hoạt 12g, tế tân 4, sinh địa 12g, đảng sâm 12g, quế chi 4g, phòng phong 10g, đương quy 12g, phục linh 10g, tang ký sinh 16g, ngưu tất (Bắc) 12g, bạch thược 10g, cam thảo(Bắc) 4g, tần giao 8g, đỗ trọng(Bắc) 12g, xuyên khung 8.
- Một số vị thuốc Nam hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp gối:
Lá lốt, Củ nghệ, Ngải cứu, Gối hạc, Rễ đinh lăng,….
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng châm cứu:
Châm cứu: thường chọn các huyệt tại chỗ như: độc tỵ, tất nhãn, hạc đỉnh, âm lăng tuyền… Châm tả (kích thích xung điện với tần số 60 -100Hz), hoặc cứu tả.Kết hợp bổ khí huyết, bổ can thận, mạnh gân xương: dùng châm bổ các huyệt can du, thận du, dương lăng tuyền, huyết hải…
- Độc tỵ: Hơi co đầu gối để lộ hõm ra. Huyệt là chỗ lõm, dưới góc dưới – ngoài xương bánh chè và ở ngoài gân cơ tứ đầu đùi. Trị các loại sưng đau ở khớp gối.
- Tất nhãn: Tại chỗ trũng 2 bên đầu gối. Bên trong là nội tất nhãn, bên ngoài là ngoại tất nhãn. Trị viêm khớp gối.
- Hạc đỉnh: co gối, huyệt ở chỗ lõm chính giữa bờ trên xương bánh chè
- Âm lăng tuyền: Huyệt nằm ở chỗ lõm dưới đầu xương chầy mặt trong chân. Dùng ngón tay lần theo bờ trong xương ống chân, đến ngay dưới chỗ lồi xương cao nhất, đó là huyệt.
- Túc tam lý: dưới đầu gối ngoài 3 tấc, phía ngoài xương mác chừng 1 khoát ngón tay. Có tác dụng phù chính bồi nguyên, bổ hư nhược sơ phong hóa thấp thông điều kinh lạc khí huyết, phòng ngừa bệnh
- Dương lăng tuyền: Ở chỗ lõm phía trước và dưới đầu nhỏ của xương mác, nơi thân nối với đầu trên xương mác, khe giữa cơ mác bên dài và cơ duỗi chung các ngón chân. Thư cân mạch, thanh thấp nhiệt, khu phong tà.Trị khớp gối viêm, lưng đùi đau.
- Can du: Dưới gai sống lưng 9, đo ngang ra 1, 5 thốn
- Thận du: Dưới gai sống thắt lưng 2, đo ngang ra 1, 5 thốn
- Huyết hải: Mặt trước trong đùi, từ xương bánh chè đầu gối đo lên 1 thốn, vào trong 2 thốn