Nội dung bài viết
Đại cương về tai biến mạch máu não
Định nghĩa
Tai biến mạch máu não (TBMMN) là các thiếu sót thần kinh với các triệu chứng khu trú hơn là lan toả xảy ra đột ngột do mạch máu não (động mạch, mao mạch và hiếm hơn là tĩnh mạch) bị vỡ hoặc tắc mà không do chấn thương sọ não.

Dịch tễ học
Tai biến mạch máu não tăng theo lứa tuổi nhất là từ 50 tuổi trở lên.
Nam thường ưu thế hơn giới nữ.
Ở các nước công nghiệp phát triển Âu Mỹ nhồi máu não chiếm khỏang 80 %, ở nước ta thì khoảng 60 % số tai biến mạch não, còn lại là xuất huyết não.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra tai biến mạch máu não đó là:
- Cao huyết áp
- Hàm lượng mỡ máu cao
- Mắc bệnh đái tháo đường
- Hút thuốc lá
- Vỡ túi phình của động mạch não
- Dị dạng một số động mạch hoặc tĩnh mạch
- Xảy ra hiện tượng rối loạn đông máu, rối loạn cầm máu trong cơ thể.
- Chảy máu bên trong ổ nhồi máu não gây ra tai biến mạch máu não.
- Chảy máu não không rõ nguyên nhân.


Yếu tố nguy cơ
- Tuổi tác (đa số gặp trên 45 tuổi), giới tính (nam gặp nhiều hơn nữ), chủng tộc, di truyền…
- Tăng huyết áp
- Đái tháo đường
- Các bệnh tim
- Tăng lipid máu
- Hút thuốc lá, nghiện rượu bia: là nguyên nhân gây tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim và đột quỵ.
- Tiền sử đột quỵ cũ: Bệnh nhân có tiền sử đột quỵ cũ có nhiều nguy cơ tái phát.
- Béo phì: Béo phì là yếu tố thuận lợi góp phần làm tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và tăng glucose máu.
- Phình động mạch não
- Dị dạng động – tĩnh mạch não
Biến chứng
Một số di chứng về thể chất có thể xảy ra do tai biến mạch máu não nặng bao gồm:
- Liệt cơ như liệt mặt, liệt nửa người, liệt tay chân, mất khả năng phối hợp vận động
- Yếu cơ, run tay chân
- Khó nói, khó nuốt, mất tiếng
- Mất thăng bằng, chóng mặt, mất trí nhớ
- Không kiểm soát được cảm xúc
- Trầm cảm, thay đổi hành vi
- Đau đầu
- Tiểu tiện không tự chủ
- Giảm thị lực như nhìn mờ, mù lòa ·
- Viêm phổi, loét, hoại tử do nằm liệt giường lâu ngày

Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng phổ biến của tai biến mạch máu não là:
- Rối loạn vận động: đột ngột tê hoặc yếu ở mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt là ở một bên của cơ thể
- Rối loạn ngôn ngữ, nói khó, nói ngọng, cấm khẩu…
- Gặp vấn đề về thị lực đột ngột ở một hoặc cả 2 mắt
- Lú lẫn
- Ngứa ran
- Chóng mặt, mất thăng bằng
- Bất tỉnh, mất ý thức
- Đau đầu dữ dội
- Khứu giác hoặc vị giác bất thường
Cận lâm sàng
- Chụp não cắt lớp vi tính: Trong giai đoạn tối cấp (0-6 giờ) nhu mô bình thường trừ nhồi máu rộng thấy phù nề và giảm đậm. Trong giai đoạn cấp (tuần đầu) thấy phù nề và giảm đậm bờ không rõ và có hình thang (động mạch não giữa), hình tam giác đáy ngoài (nhánh động mạch não giữa), hình chữ nhật sát đường giữa (động mạch não trước) và hình dấu phẩy (nhồi máu nhánh sâu). Giai đoạn bán cấp (tuần thứ 2-6) phù nề giảm, ổ nhồi máu có thể trở nên đồng tỷ trọng. Giai đoạn mạn tính (trên 6 tuần) diện giảm đậm thu nhỏ, bờ rõ hơn và đậm độ tiến tới như dịch nên còn gọi là giai đoạn hình thành kén nhồi máu não.

- Cộng hưỡng từ não:Trong giai đoạn tối cấp (0-6 giờ) thấy phù nề trên T1. Trong giai đoạn cấp (tuần đầu) đồng tín hiệu trên T1, tăng tín hiệu T2 ở khu vực dưới võ và mất sự khác biệt tuỷ -võ não. Giai đoạn bán cấp (tuần thứ 2-6) giảm tín hiệu trên T1 (tối) và tăng tín hiệu trên T2 (sáng). Giai đoạn mạn tính (trên 6 tuần) ổ nhồi máu có tín hiệu của dịch thấy cường độ giảm mạnh trên T1 và tăng mạnh trên T2.
- Chụp mạch não: Phát hiện nơi tắc mạch, mức độ hẹp, tổn thương loét, cục máu đông ở thành động mạch, nhánh tuần hoàn bàng hệ.
- Ðánh giá tim mạch: Ðiện tim (có khi ghi holter điện tim 24 giờ)ì, siêu âm tim, siêu âm mạch máu.
- Xét nghiệm máu: Công thức máu, điện giải đồ, glucose máu, chức năng thận- gan, tét huyết thanh về giang mai…
Biện pháp phòng ngừa
Có nhiều phương pháp để phòng tránh tai biến mạch máu não. Sau đây chúng tôi xin đưa ra một số phương pháp chính như sau:
- Tránh các yếu tố nguy cơ bằng thói quen sống tích cực như: không lạm dụng bia rượu.
- Không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích.
- Tránh tình trạng béo phì bằng cách tập thể dục hàng ngày.
- Tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài.
- Chế độ ăn nên có nhiều rau, hoa quả. Hạn chế ăn quá mặn, quá nhiều mỡ động vật.
- Kiểm soát và điều trị tốt các bệnh: đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ, bệnh lý tim mạch…bằng cách đo huyết áp hằng ngày, kiểm soát tốt đường máu, lượng mỡ trong máu..
Tây y điều trị bệnh Tai biến mạch máu não
Phân loại tai biến mạch máu não
- Nhồi máu não: Đây là tình trạng tắc nghẽn động mạch mang máu cho não. Một số loại đột quỵ nhồi máu não đó là huyết khối, nhồi máu ổ khuyết, tắc mạch máu não…
- Chảy máu não: Đây là tình trạng tai biến mạch máu não do hiện tượng vỡ mạch máu não gây ra. Một số loại đột quỵ chảy máu não là chảy máu bên trong nhu mô não, chảy máu não và tràn máu ra não thất, chảy máu não thất nguyên phát, chảy máu dưới màng nhện, chảy máu não sau khi nhồi máu não xảy ra.
Điều trị
Ðiều trị nội khoa
- Ðiều trị nhằm 4 mục tiêu: Duy trì đời sống, giới hạn tổn thương não, hạn chế di chứng và biến chứng. Trên thực tế có hai loại biện pháp sau đây:
- Các biện pháp tái lập tuần hoàn não:
+ Các thuốc làm tiêu huyết khối: trong 3-6 giờ đầu sau tai biến
+ Các thuốc chống đông như heparine hạn chế sự phát triển cục máu tắc được chỉ định trong tắc mạch
+ Các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu
+ Các thuốc giãn mạch não chỉ có naftidrofuryl (praxilène) là có hiệu quả với liều 600 mg/ngày.
- Các biện pháp bảo vệ tế bào não:
+ Các thuốc chẹn Ca++ (kênh Ca++ phụ thuộc ) nếu dùng sớm trước 48 giờ cũng có hiệu quả
+ Kháng serotonine/ piracetam 1200- 2400mg/ngày hay vinpocetine 15- 30 mg/ngày…
+ Cerebrolysin 10 ml ngày 2-3 ống tiêm tĩnh mạch trong 20-30 ngày.
- Ðiều trị triệu chứng là chính bằng các biện pháp như đảm bảo đường dẫn khí lưu thông nhất là khi rối loạn ý thức thì cho bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng sang một bên để tránh hít phải chất nôn, tránh tụt lưỡi gây ngạt thở và nên hút đờm giải thường xuyên.
- Cung cấp đầy đủ 02 cho não nhằm hạn chế tổn thương tối thiểu vùng bị tổn thương đồng thời chóng phù não thứ phát, cho thở máy, tăng thông khí để giảm bớt phù não.
- Ðảm bảo huyết áp (HA) ổn định, tránh tụt huyết áp nhanh, nếu HA thấp phải cho dopamin, còn tăng huyết áp (THA) dùng chẹn canxi như nìfedipine, nicardipine hay labetolol, lợi tiểu như furosemide, ức chế men chuyển…
- Cân bằng nước điện giải.
- Chống co giật bằng phenytoin 15-18 mg/kg tĩnh mạch hay valium 5-10mg tĩnh mạch mỗi 10-20 phút

Ðiều trị ngoại khoa
– Cắt bỏ lớp áo trong động mạch cảnh khi xơ vữa gây hẹp trên 70% trở lên hay khi nhồi máu tiểu não.
Đông y điều trị bệnh Tai biến mạch máu não
Theo y học cở truyền, tai biến mạch máu não được xếp thuộc chứng Trúng phong hay Bán thân bất toại.
Giai đoạn cấp:
Chia ra thành chứng bế hoặc chứng thoát
Chứng bế: Triệu chứng chủ yếu: hôn mê, liệt nửa người, méo mồm, mắt trợn ngược, mặt đỏ, người nóng sốt, hàm răng nghiến chặt, đờm nước rãi nhiều, họng khò khè, thở thô, mũi ngáy, tay chân co cứng, tiêu tiểu không thông, chất lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch huyền hoạt sác
Phép chữa: Khai bế tỉnh não, hoạt huyết chỉ huyết
Huyệt châm: Chích nặn máu các huyệt: Trung xung, Bách hội, Tứ thần thông, kết hợp chích Nhân trung, Thừa tương, Phong trì, Phong phủ, Hợp cốc, Lao cung, Thái xung, Dũng tuyền.
Thuốc thường dùng “An cung ngưu hoàng hoàn” “Chí bảo đơn” hoặc “Tứ tuyết đơn”
- Chứng thoát: Triệu chứng chủ yếu: Đột nhiên ngã quỵ hoặc do chứng bế chuyển thành, có triệu chứng hôn mê bất tỉnh, sắc mặt tái nhợt, mắt nhắm, mồm há, hơi thở ngắn gấp hoặc có lúc ngưng thở, tay buông thõng, tứ chi lạnh, toàn thân ướt lạnh, tiêu tiểu không tự chủ, chân tay liệt mềm, lưỡi rút ngắn, mạch vi dục tuyệt hoặc hư đại vô căn, huyết áp hạ.
Phép chữa chủ yếu: Hồi dương cứu thoát.
Bài thuốc cơ bản: “Sâm phụ thang” (Nhân sâm, Phụ tử mỗi thứ 15-30 g).
Trường hợp ra mồ hôi không dứt gia Long cốt, Mẫu lệ mỗi thứ 30-60 g.
Kết hợp châm cứu: Chủ yếu cứu các huyệt Khí hải, Quan nguyên, Thần khuyết, Dũng tuyền.

Giai đoạn di chứng:
Sau thời gian cấp tính khoảng 1-2 tuần và kinh qua điều trị tích cực chứng bế hoặc chứng thoát, bệnh nhân qua cơn nguy kịch chuyển sang giai đoạn hồi phục. Bệnh lý chủ yếu ở giai đoạn này là chứng hư kiêm huyết ứ đàm trệ ở kinh lạc mà phần lớn là thể khí hư huyết ứ.
Triệu chứng chủ yếu: Tinh thần mệt mỏi, sắc mặt vàng xạm, liệt nửa người, chất lưỡi xám nhợt hoặc có điểm ứ huyết, mạch tế nhược hoặc tế sáp hoặc hư đại, huyết áp thường không cao hoặc không cao.
Phép chữa: Bổ khí hóa ứ, thông lạc.
Bài thuốc: “Bổ dương hoàn ngũ thang”.
Sinh Hoàng kỳ 30-60g, Xích thược 8-12g, Đương quy 12g, Xuyên khung 8g, Đào nhân 8g, Hồng hoa 8g, Địa long 6-8g. Sắc uống.
Gia giảm:
Thận hư gia Can địa hoàng, Sơn thù, Nhục thung dung, Ngưu tất, Tang ký sinh, Đỗ trọng.
Huyết áp cao gia Thanh mộc hương, Thảo quyết minh, Phòng kỷ.
Chân tay hồi phục chậm gia Đơn sâm, Xuyên giáp hoạt huyết, Quất hồng, Thanh bì hóa đàm thông lạc.
Kết hợp các phương pháp luyện tập dưỡng sinh, xoa bóp, châm cứu là rất quan trọng có vai trò quyết định sự hồi phục các chức năng vận động, lao động trí óc và chân tay.