Nội dung bài viết
Suy thận mạn là gì?
Định nghĩa
Suy thận mạn là hậu quả của các bệnh thận mạn tính của thận gây giảm sút từ từ số lượng nephron chức năng làm giảm dần mức lọc cầu thận.
Khi mức lọc cầu thận giảm xuống dưới 50% (60ml/phút) so với mức bình thường (120ml/phút) thì được xem là có suy thận mạn.
Dịch tễ học
Theo thống kê ở Pháp tỷ lệ mới mắc suy thận mạn giai đoạn cuối là 120 trường hợp/1 triệu dân / năm. Ở Mỹ và Nhật là 300 trường hợp / 1 triệu dân / năm (số liệu năm 2003).
Tỷ lệ mắc bệnh suy thận mạn có khuynh hướng gia tăng theo thời gian và khác nhau giữa nước này và nước khác.
Suy thận mạn là một bệnh lý xảy ra chủ yếu ở người lớn. Thống kê của Pháp trong số 70 bệnh nhân mới mắc suy thận mạn giai đoạn cuối thì chỉ có 5 bệnh nhân là trẻ em và thanh niên, và 65 bệnh nhân là người lớn.
Suy thận mạn cũng có liên quan với giới tính, nam mắc bệnh hơn nữ hai lần (2/1). Độ tuổi trung bình của số bệnh nhân mới bắt đầu điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối tăng dần: năm 1987 là 55 tuổi, năm 1998 là 61 tuổi.
Nguyên nhân
Các bệnh lý ở cầu thận: chiếm 40% bệnh lý gây suy thận mạn bao gồm: viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư, viêm cầu thận mạn, viêm cầu thận do các bệnh hệ thống,….
Bệnh viêm thận bể thận mạn: Chiếm tỷ lệ khoảng 30%
Bệnh ống kẽ thận mạn: Thường do sử dụng các thuốc giảm đau lâu dài như Phénylbutazone, do tăng acid uric máu, tăng calci máu.
Bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp là hai nguyên nhân làm tổn thương thận gây suy thận mạn tính.
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác:
+ Bệnh thận bẩm sinh và di truyền ( thận đa nang, loạn sản thận, hội chức ALport)
+ Bệnh tự miễn ( như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì)
+ Nhiễm độc trong thời gian kéo dài
+ Một số loại thuốc sử dụng để chữa trị các rối loạn bệnh lí cũng có thể làm tổn thương thận, dẫn đến suy thận mạn.
+ Bất kì trường hợp nào làm giảm lượng máu cung cấp cho thận, làm tắc nghẽn nước tiểu sau khi rời khỏi thận hoặc làm tổn thương thận đều có thể là nguyên nhân gây bệnh: tắc mạch động mạch thận, nhiễm trùng đường niệu, suy tim sung huyết…
Yếu tố nguy cơ
Những yếu tố nguy cơ mà bạn không thể kiểm soát được:
+ Tuổi: người ta thấy có sự tổn thương tối thiểu ở thận lúc bạn được 35 tuổi. nhưng khi 80 tuổi thì số lượng tế bào thận tổn thương có thể lên đến 30% tổng số tế bào trong thận.
+ Chủng tộc: người Mỹ da đen và da trắng dễ mắc bệnh suy thận mạn hơn so với các dân tộc khác.
+ Nam giới: đàn ông có nguy cơ suy thận mạn cao hơn phụ nữ.
+ Yếu tố gia đình: tiền sử gia đình có yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp, và 2 bệnh này lại là nguyên nhân chính của suy thận mạn.
Những yếu tố nguy cơ mà bạn có thể kiểm soát được:
Bạn có thể làm chậm sự tiến triển của suy thận mạn và trì hoãn sự tổn thương thận bằng cách kiểm soát được một vài yếu tố sau:
+ Tăng huyết áp: tình trạng tăng huyết áp kéo dài sẽ làm tổn thương những mạch máu nhỏ trong thận.
+ Đái tháo đường: sự tăng đường huyết dai dẳng có thể làm tổn thương những mạch máu trong thận, hoặc làm tiến triển nhanh tình trạng suy thận hoặc làm thận ngưng làm việc hoàn toàn.
+ Thức ăn có nhiều đạm và mỡ: chế độ ăn thực phẩm ít đạm và mỡ có thể giảm được những nguy cơ bệnh thận.
+ Thuốc: nên tránh việc sử dụng lâu dài những loại thuốc có độc tính trên thận, như là thuốc giảm đau non-steroid và kháng sinh.
Triệu chứng lâm sàng
Phù: Tùy thuộc vào nguyên nhân gây suy thận mạn mà bệnh nhân có thể có phù nhiều, phù ít hoặc không phù. Suy thận mạn do viêm thận bể mạn thường không phù trong giai đoạn đầu, chỉ có phù trong giai đoạn cuối. Trong khi suy thận mạn do viêm cầu thận mạn phù là triệu chứng thường gặp. Bất kỳ nguyên nhân nào, khi suy thận mạn giai đoạn cuối, phù là triệu chứng hằng định.

- Thiếu máu: Thường gặp nặng hay nhẹ tùy giai đoạn, suy thận càng nặng thiếu máu càng nhiều.Đây là triệu chứng quan trọng để phân biệt với suy thận cấp.
- Tăng huyết áp: Khoảng 80% bệnh nhân suy thận mạn có tăng huyết áp, cần lưu ý có từng đợt tăng huyết áp ác tính làm chức năng thận suy sụp nhanh chóng gây tử vong nhanh.
- Suy tim: Khi có suy tim xuất hiện thì có nghĩa là suy thận mạn đã muộn, suy tim là do tình trạng giữ muối, giữ nước, tăng huyết áp lâu ngày và do thiếu máu.
- Rối loạn tiêu hóa:Trong giai đoạn sớm thường là chán ăn, ở giai đoạn III trở đi thì có buồn nôn, ỉa chảy, có khi xuất huyết tiêu hóa
- Xuất huyết: Chảy máu mũi, chân răng, dưới da là thường gặp. Xuất huyết tiêu hóa nếu có thì rất nặng làm urê máu, Kali máu tăng lên nhanh.
- Viêm màng ngoài tim: Là một biểu hiện trong giai đoạn cuối của suy thận mạn với triệu chứng kinh điển là tiếng cọ màng ngoài tim, đây là triệu chứng báo hiệu tử vong nếu không được điều trị lọc máu kịp thời.
- Ngứa: Là biểu hiện ngoài da gặp trong suy thận mạn ở giai đoạn có cường tuyến cận giáp thứ phát với sự lắng đọng Canxi ở tổ chức dưới da.
- Chuột rút: Thường xuất hiện ban đêm, có thể là do giảm Natri, giảm Calci máu.
- Hôn mê: Hôn mê do tăng urê máu cao là biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn cuối của suy thận mạn. Bệnh nhân có thể có co giật, rối loạn tâm thần ở giai đoạn tiền hôn mê. Đặc điểm của hôn mê do tăng Urê máu mạn là không có triệu chứng thần kinh khu trú.Trên đây là các biểu hiện lâm sàng chung của suy thận mạn. Ngoài ra tuỳ theo nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn ở mỗi bệnh nhân mà có nhừng triệu chứng tương ứng như thận lớn trong bệnh thận đa nang, thận ứ nước,…
Biến chứng
Các biến chứng cấp có thể gây tử vong
+ Biến chứng tim mạch
- Tăng huyết áp
- Suy tim, phù phổi cấp: tử vong trong bệnh cảnh khó thở dữ dội, ho khạc bọt hồng
- Viêm màng ngoài tim, chèn ép tim cấp
+ Rối loạn điện giải: Tăng Kali máu, hạ Canxi máu ( tăng Kali máu =>Tử Vong do rung thất, ngừng tim đột ngột
+ Rối loạn kiềm toan: Toan hóa máu nặng ( tử vong trong bệnh cảnh hôn mê, co giật
Cận lâm sàng
Xét nghiệm huyết học: số lượng hồng cầu giảm, nồng độ hemoglobin giảm, hematocrit giảm. Mức độ thiếu máu tỉ lệ với mức độ nặng của suy thận. Số lượng bạch cầu và tiểu cầu bình thường.
Xét nghiệm sinh hóa:
+ Tăng urê máu, créatinine máu
+ Giảm hệ số thanh thải créatinine
+ Kali máu: kali máu có thể bình thường hoặc giảm. Khi Kali máu cao là có biểu hiện đợt cấp có kèm thiểu niệu hoặc vô niệu.
+ Calci máu, phospho máu: trong giai đoạn đầu calci máu giảm, phospho máu tăng. Trong giai đoạn đã có cường tuyến cận giáp thứ phát thì cả calci máu và phospho máu đều tăng.
Xét nghiệm nước tiểu:
+ Protein niệu: tùy thuộc vào nguyên nhân, khi suy thận giai đoạn III, IV thì luôn có protein niệu nhưng không cao.
+ Hồng cầu, bạch cầu: tùy thuộc nguyên nhân gây suy thận mạn.
Chẩn đoán hình ảnh
+ Siêu âm và X-quang thận: hai thận teo nhỏ đều hoặc không đều. Nếu suy thận mạn do viêm cầu thận mạn hai thận nhỏ đều hai bên, nhu mô thận tăng âm làm xóa mờ ranh giới giữa nhu mô thận và đài bể thận. Nếu suy thận do viêm thận-bể thận mạn thấy hai thận teo nhỏ không đều, chu vi thận lồi lõm. Nếu có ứ nước ứ mủ thận thì thận to, đài bể thận giãn. Bệnh nhân suy thận do bệnh thận đa nang thì thấy thận to, nhiều nang ở hai thận.
+ Đồng vị phóng xạ: xạ hình nhấp nháy thấy hai thận nhỏ, giảm mật độ phóng xạ, hình ảnh phóng xạ lan tỏa toàn thân. Đo mức lọc cầu thận thấy giảm, mức lọc cầu thận giảm đều hai bên nếu suy thận do viêm cầu thận mạn, giảm không đều hai bên nếu suy thận do viêm thận bể thận mạn. Xạ đồ chức năng thận thấy đường biểu diễn đi ngang.
Biện pháp phòng ngừa
Một lối sống lành mạnh rất tốt cho những người bị bệnh thận, đặc biệt nếu bạn mắc tiểu đường, cao huyết áp hoặc cả hai. Cụ thể:
– Giữ huyết áp đúng mục tiêu bác sĩ đặt ra.
– Tiêu thụ ít hơn 2.3 g natri mỗi ngày, uống đủ nước (1,5 – 2l mỗi ngày).
– Nếu bị tiểu đường, hãy kiểm soát nồng độ đường trong máu.
– Nếu dùng thuốc, bạn cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.
– Hãy bỏ thuốc lá vì hút thuốc lá có thể làm tổn thương thận nặng hơn.
– Bên cạnh đó, các hoạt động thể chất sẽ giúp kiểm soát huyết áp cũng như mức độ glucose và cholesterol trong máu.
– Ngoài ra, thừa cân khiến thận làm việc vất vả hơn. Vì vậy, lên kế hoạch và thực hiện giảm cân ngay từ bây giờ sẽ giúp thận khỏe mạnh hơn.
Tây y điều trị bệnh Suy thận mạn
Không có biện pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn suy thận mạn tính. Nhưng việc điều trị có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện các triệu chứng, hạn chế nguy cơ các biến chứng. Chữa bệnh suy thận mãn tính bằng các phương pháp sau:
- Điều trị nguyên nhân: điều trị nguyên nhân gây suy thận mạn là then chốt. Đối với phần lớn các bệnh nhân đó là kiểm soát chặt chẽ đường máu và huyết áp bằng các thuốc và chế độ ăn uống, luyện tập, giảm cân, thay đổi thói quen sinh hoạt. Như vậy sẽ giúp làm chậm các tổn thương.
- Điều trị bằng chế độ ăn, sinh hoạt: thay đổi lối sống, bỏ thuốc lá, rượu bia, tập thể dục hàng ngày, tránh các hoạt động mạnh, giảm lượng protein, giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày,
- Điều trị các triệu chứng
+ Tăng huyết áp:Tăng huyết áp vừa là nguyên nhân vừa là biến chứng của suy thận mạn. Thường rất khó khống chế huyết áp ở những bệnh nhân suy thận mạn. Huyết áp mục tiêu ≤ 130/80 mmHg. Hạn chế muối: <2g/ ngày. Thuốc huyết áp thuộc nhóm ức chế men chuyển (UCMC) hoặc ức chế thụ thể (UCTT), lợi tiểu,…
+ Kiểm soát rối loạn lipid máu: Suy thận mạn tính là một yếu tố nguy cơ dẫn tới các bệnh lý tim mạch do rối loạn lipid máu. Điều trị bằng các thuốc giảm nồng độ các cholesterol xấu, ngăn ngừa nguy cơ tắc nghẽn mạch máu. Nhóm thuốc có thể sử dụng là statin, gemfibrozil
- Điều trị thiếu máu : thiếu máu rất thường gặp ở bệnh nhân suy thận mạn do thận không sản xuất đủ một chất có tên là erythropoietin (EPO).EPO giúp duy trì quá trình tạo hồng cầu bình thường của cơ thể. Ở bệnh nhân suy thận mạn, mục tiêu với Hb là 11-12g/dL. Việc điều trị bao gồm: Erythropoietin: tiêm dưới da, bổ sung sắt, acid folic
- Điều trị loãng xương: bổ sung Vitamin D, và canxi, hạn chế phospho trong khẩu phần ăn giúp cho xương khỏe mạnh.
- Điều trị rối loạn điện giải: tùy từng trường hợp mà có biện pháp điều trị khác nhau. Trong suy thận mạn, hay gặp là tăng kali máu. Nếu không được điều trị có thể dẫn tới rối loạn nhịp tim, ngừng tim và các vấn đề khác liên quan tới thần kinh cơ
Điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối: Khi chức năng của thận dưới 15% chức năng thận bình thường, đi vào suy thận giai đoạn cuối. Điều này có nghĩa là cơ thể không còn đủ chức năng để lọc bỏ các chất độc và dịch dư thừa, phương pháp điều trị: lọc máu, ghép thận. Chạy thận nhân tạo là 1 trong 2 phương pháp lọc máu. Khi chức năng lọc máu của thận không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể, lúc này chạy thận nhân tạo sử dụng máy móc hỗ trợ quá trình lọc máu thay thế cho thận. chạy thận nhân tạo được coi là giải pháp tốt nhất cho người bệnh suy thận giai đoạn cuối có thể duy trì được sự sống.
Đông y điều trị bệnh Suy thận mạn
Thể nhiệt độc thịnh
– Triệu chứng: sốt, tinh thần bứt rứt khó chịu, hồi hộp tim nhịp nhanh, khó thở, miệng khô muống uống nước, đau đầu, đau mỏi toàn thân, tiểu ít nước tiểu vàng đỏ, hoặc tiểu bí, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, mạch sác.
– Pháp: Thanh nhiệt giải độc
– Phương thuôc: Bạch hổ thang kết hợp hoàng liên giải độc thang gia giảm
Thạch cao | 40g | Hoàng liên | 12g |
Tri mẫu | 12g | Hoàng cầm | 12g |
Ngạnh mễ | 20g | Hoàng bá | 12g |
Cam thảo | 4g | Chi tử | 12g |
- Gia giảm
+ Nếu sốt cao gia thêm tử tuyết tán để thanh tà nhiệt;
+ Miệng khát nhiều gia thạch hộc, hoa phấn để thanh nhiệt sinh tân chỉ khát;
+ Tiểu tiện ngắn đỏ hoặc tiểu máu gia thêm đại tiểu kế, mao căn, sinh địa du để thanh nhiệt lợi tiểu, lương huyết chỉ huyết.
Thể hỏa độc ứ trệ
– Triệu chứng: sốt cao, nói lảm nhảm, cuồng thao, nôn khan, nôn ra máu, khạc ra máu, đái máu, ban tím đen ngoài da hoặc ban đỏ tươi, rêu lưỡi giáng tối, tím đạm, rêu lưỡi vàng hoặc bong, mạch tế sác.
– Pháp: Tả hỏa giải độc, khứ ứ hành trệ
– Phương thuốc: Thanh ôn bại độc ẩm gia giảm
Thạch cao | 40g | Xích thược | 8g |
Sinh địa | 20g | Huyền sâm | 8g |
Tê giác | 4g | Liên kiều | 8g |
Chi tử | 8g | Đan bì | 8g |
Cát cánh | 8g | Trúc nhự | 8g |
Hoàng cấm | 8g | Cam thảo | 4g |
Tri mẫu | 8g |
- Gia giảm
+ Nếu đái máu rõ gia thêm tiểu kế, mao căn
+ Nếu hôn mê gia thêm thạch xương bồ, uất kim để thanh tâm khai khiếu
+ Bệnh nặng, gia thêm an cung ngưu hoàng hoàn.
Thể tà hãm tâm can
– Triệu chứng: sốt, tim nhịp nhanh, bứt dứt khó chịu, thần hôn mê nói lảm nhảm cuồng thao, co giật, móng tay xanh môi đen, chất lưỡi đỏ giáng tím tối, mạch hoạt sác.
– Pháp: Thanh tâm khai khiếu lương can tức phong, hoạt huyết hóa ứ
– Phương thuốc:
Linh dương giác | Cam thảo |
Tang diệp | Trúc nhự |
Xuyên bối mẫu | Đào nhân |
Sinh địa | Đương quy |
Câu đằng | Đan bì |
Cúc hoa | Đại hoàng |
Phục thần | Mang tiêu |
Bạch thược |
Gia giảm: Nếu sốt cao nặng, hôn mê co giật gia thêm tử tuyết đan để thanh nhiệt tức phong chỉ kinh…