Suy giãn tĩnh mạch chi dưới

tiêm xơ - trước khi tiêm có thể cần gây mê

Đại cương về suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Định nghĩa

Suy tĩnh mạch chi dưới: tình trạng suy giảm chức năng hệ tĩnh mạch chi dưới do suy các van tĩnh mạch thuộc hệ tĩnh mạch nông và/hoặc hệ tĩnh mạch sâu, có thể kèm theo thuyên tắc tĩnh mạch hoặc không.

Giãn tĩnh mạch: Là biến đổi bất thường về giải phẫu, đặc trưng bởi sự giãn bệnh lý của một hoặc nhiều tĩnh mạch nông.

suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Dịch tễ học

Tần suất giãn tĩnh mạch ở người trưởng thành: 9 – 30%, nữ nhiều hơn nam (3 nữ/1 nam)

Khoảng 1% dân số bị loét chi dưới do nguyên nhân TM.

Nguyên nhân

Suy tĩnh mạch tiên phát:

1. Giãn tĩnh mạch vô căn

– Do những bất thường về mặt di truyền và/hoặc huyết động của hệ tĩnh mạch nông gây ra.

2. Suy tĩnh mạch sâu tiên phát

– Do bất thường về giải phẫu : bờ tự do của van quá dài, gây ra sa van; hoặc do giãn vòng van.

Suy tĩnh mạch thứ phát:

Bệnh lý TM hậu huyết khối

Dị sản tĩnh mạch: thiếu hụt hoặc thiểu sản van tĩnh mạch (sâu hoặc nông) bẩm sinh, dị sản TM có kèm theo hoặc không rò ĐM – TM.

Bị chèn ép: khối u, hội chứng Cockett

Bị chèn ép về mặt huyết động: Có thai, thể thao.

Yếu tố nguy cơ

  • Tuổi cao
  • Béo phì
  • Nhiệt độ cao
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh lý về mạch máu
  • Có thai
  • Chế độ ăn
  • Đứng nhiều
  • Ngồi nhiều

Triệu chứng lâm sàng

▶ Triệu chứng cơ năng:
– Đau tức 1 2 chân, cảm giác chuột rút.
– Nặng 2 chân sau khi nằm, đứng, ngồi lâu mất hoặc giảm đi khi bệnh nhân đi lại
– Đau nhiều khi có viêm tắc tĩnh mạch kèm theo.

▶ Toàn thân:
– Có hội chứng nhiễm trùng nếu có viêm tắc tĩnh mạch.
– Bệnh lý tim mạch, hô hấp kèm theo

▶ Thực thể:
– Chi dưới nổi các búi tĩnh mạch.
– Đám xuất huyết trên da.
– Vết loét.
– Sờ các tĩnh mạch, thấy tĩnh mạch sơ xơ cứng.
– Khám các cơ quan khác: Tim mạch, hô hấp, tiêu hóa,…
– Nghiệm pháp: Schwarz, ho,Trendelenburg và nghiệm pháp Perthe.

triệu chứng suy tĩnh mạch chi dưới

Biến chứng

Trước tiên là các biến chứng về rối loạn huyết động học: Cẳng chân bệnh nhân bị sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm.

  • Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng.
biến chứng suy tĩnh mạch chi dưới
  • Giai đoạn cuối cùng có thể diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, các tĩnh mạch giãn rất lớn, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị.
  • Một biến chứng rất nặng nề và cũng thường hay gặp của suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính là việc hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng rất nặng có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
  • Chảy máu do giãn tĩnh mạch ở chân có thể dẫn tới tử vong. Chảy máu không phải là vấn đề ít gặp, nhưng thường được điều trị không đúng cách.

Cận lâm sàng

– Xét nghiệm cơ bản: Phục vụ cho điều trị

– Siêu âm Doppler mạch 2 chi dưới: Xác định được những rối loạn huyết động học, tình trạng của các van tĩnh mạch, mức độ giãn của tĩnh mạch và các cục thuyên tắc trong lòng mạch

Biện pháp phòng ngừa

▶ Tăng cường sử dụng chức năng bơm của cơ : Tránh đứng bất động trong thời gian dài, tư thế ngồi bắt chéo chân, hoặc tình trạng tĩnh tại lâu. Khuyến khích hoạt động thể chất phù hợp.

▶ Tạo điều kiện thuận lợi cho hồi lưu tĩnh mạch : nâng cao phía cuối giường ngủ khoảng 10 cm, hoặc tập vận động chân giống như đạp xe trong không khí trước khi ngủ.

▶ Tránh tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao.

▶ Chế độ dinh dưỡng phù hợp : Giảm chất béo, tăng cường chất xơ, tránh tình trạng táo bón.

Tây y điều trị bệnh Suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Điều trị nội khoa

Thuốc tăng trương lực tĩnh mạch

Bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch mạn tính có thể được chỉ định thuốc trợ tĩnh mạch để cải thiện triệu chứng và giảm phù.

Tất áp lực, băng cuốn áp lực

  • Dự phòng tiến triển nặng lên của suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính trong những nghề nghiệp buộc phải đứng nhiều.
  • Dự phòng suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính trong thời gian mang thai.
  • Giảm các dấu hiệu cơ năng của suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính.
  • Chống chỉ định hoặc không có khả năng phẫu thuật hay tiêm xơ điều trị suy tĩnh mạch.
  • Điều trị hỗ trợ trong các trường hợp loạn dưỡng nguyên nhân tĩnh mạch, phù bạch mạch.
điều trị nội khoa suy giãn tĩnh mạch uống thuốc và băng ép áp lực

Điều trị can thiệp

▶ Điều trị bằng tiêm xơ:

Tiêm một chất gây xơ vào trong tĩnh mạch nông. Chất này gây tổn thương nội mạc và thành phần lân cận của lớp trung mạc, dẫn đến hình thành huyết khối làm tắc lòng tĩnh mạch bị suy, trước khi thực hiện tiêm có thế cần phải gây mê.

tiêm xơ - trước khi tiêm có thể cần gây mê

Chỉ định:

– Suy thân tĩnh mạch hiển, với điều kiện tĩnh mạch giãn không quá 1 cm.
– Suy các tĩnh mạch xuyên, có thể gây giãn tĩnh mạch tái phát nếu không điều trị.
– Giãn các tĩnh mạch bàng hệ của hệ tĩnh mạch hiển, với điều kiện đã điều trị tình trạng giãn và suy của hệ tĩnh mạch hiển đó.

Chống chỉ định:

– Dị ứng với thuốc gây xơ
– Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cấp
– Rối loạn đông máu hoặc đang điều trị chống đông
– Bệnh ĐM chi dưới
– Có thai

Biến chứng:

– Tiêm vào động mạch, gây tắc động mạch cấp, có nguy cơ phải cắt cụt chi.
– Máu tụ tại vị trí tiêm xơ.
– Viêm tĩnh mạch hay quanh tĩnh mạch (do tiêm quá nhiều chất gây xơ).
– Đám rối loạn sắc tố da, viêm mô dưới da, hoại tử da.

▶ Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật stripping – Lấy bỏ toàn bộ tĩnh mạch hiển bị suy (tĩnh mạch hiển lớn hoặc hiển nhỏ), kèm theo cắt bỏ quai tĩnh mạch hiển, có thể phối hợp thắt hoặc cắt các tĩnh mạch xuyên bị suy.

Phẫu thuật CHIVA (chirurgie vasculaire ambulatoire). – Dựa vào bản đồ tĩnh mạch chi dưới với đánh dấu tỉ mỉ vị trí tĩnh mạch có dòng trào ngược, (bằng siêu âm Doppler), thắt hoặc cắt bỏ những vị trí tĩnh mạch là nguyên nhân gây ra sự trào ngược, trong khi bảo tồn tối đa tĩnh mạch hiển.

Phẫu thuật Muller (phlebectomy) – Được chỉ định trong những trường hợp giãn các nhánh tĩnh mạch nông bàng hệ thuộc hệ tĩnh mạch hiển hoặc không, với điều kiện đã điều trị triệt để suy tĩnh mạch hiển.

  • Biến chứng của điều trị ngoại khoa:
  • Tụ máu vùng Scarpa hoặc dọc theo đường đi của tĩnh mạch được lấy bỏ.
  • Dị cảm chi dưới, do tổn thương thần kinh hiển trong, hoặc hiển ngoài.
  • Huyết khối tĩnh mạch
  • Tái phát suy, và giãn tĩnh mạch.

Điều trị biến chứng

  • Điều trị loét do nguyên nhân tĩnh mạch : Chăm sóc tại chỗ, băng ép, ghép da…
  • Điều trị bội nhiễm : Kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân.
  • Điều trị chàm hóa : mỡ corticoid.
  • Điều trị huyết khối tĩnh mạch nông: bao gồm điều trị chống viêm, nghỉ ngơi tại giường, băng ép. Điều trị thuốc chống đông chỉ đặt ra khi huyết khối ở vị trí quai tĩnh mạch hiển, có nguy cơ lan vào tĩnh mạch sâu, hoặc điều trị dự phòng nếu bệnh nhân phải nằm lâu.

Đông y điều trị bệnh Suy giãn tĩnh mạch chi dưới

  • Theo Y học cổ truyền, chứng cân lựu được mô tả là chứng gân xanh tím xoắn lại từng hòn, kết thành và nổi lên ở vùng bụng chân, điều này được xem như tương đương triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới trong Y học hiện đại.
  • Chứng cân lựu được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như khí hư, huyết hư, đàm thấp, đứng ngồi lâu, bào thai chèn ép làm tắc trở mạch lạc,… các nguyên nhân này đều dẫn đến việc khí huyết vùng chi dưới bị ứ trệ dẫn tới nặng, mỏi, tê,….
  • Tùy mỗi bệnh cảnh mà biểu hiện của triệu chứng bệnh sẽ khác nhau, ví dụ chứng cân lựu do huyết ứ thì sẽ biểu hiện đỏ bầm, xanh tím, loét da; chứng cân lựu do khí huyết hư thì da sẽ lạnh, tê, ngứa,…Khi đó, các thầy thuốc Y học cổ truyền sẽ dựa vào các đặc điểm riêng biệt của từng bệnh nhân để xác định bệnh danh, từ đó sẽ đề ra pháp trị phù hợp như bổ khí, bổ huyết, hành khí, hoạt huyết, trục ứ, trừ đàm,… Ứng với mỗi pháp trị sẽ là các hình thức điều trị khác nhau gồm hai nhóm lớn đó là dùng thuốc và không dùng thuốc.
  • Điều trị bằng thuốc y học cổ truyền:
  • Thể khí hư huyết ứ, mạch lạc ngưng kết

+ Bệnh ở thời kỳ mãn tính do viêm cấp tính kéo dài, tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo dưới da, sờ căng rắn, sắc da tím tía, ấn nhẹ cũng làm cho bệnh nhân đau không chịu được, cơ thể phù nề, rêu lưỡi mỏng nhờn, chất lưỡi có ban điểm huyết ứ, mạch trầm tế mà sáp.

+ Phương trị: ích khí hoạt huyết thông lạc tán kết.

+ Phương thuốc: “tiểu kim đan gia giảm” (ngoại khoa toàn sinh tập).

Ngũ linh chi 10g            Thảo ô 6g.                     Hoắc hương 6g

Nhũ hương 8g                Mộc miết tử 6g.            Đương qui 15g

Bạch dáng hương 8g      Địa long 10g                 Một dược 8g       

Thấp nhiệt trở lạc, khí – huyết ứ trệ:

+ Giai đoạn đầu cấp tính, bệnh nhân thấysợ lạnh, phát sốt, miệng khát muốn uống, chi sưng nề đau nhức rõ, khi đi lại thấy đau kịch liệt, đại tiện táo, tiểu tiện ngắn đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn hoặc chất lưỡi hồng, mạch huyền tế hoặc sác.

+ Phương trị: thanh nhiệt – lợi thấp – hoạt huyết – thông lạc.

+ Phương thuốc: “kỳ đương thang” gia thêm: liên kiều, hoàng bá, chi tử, đan bì để thanh nhiệt – giải độc và lương huyết hoạt huyết.

+ Nếu nhiệt độc tương đối thịnh, sưng nóng đỏ đau rõ, toàn thân mệt mỏi thì gia thêm: bồ công anh, tử hoa địa đinh, hổ trượng để thanh nhiệt – giải độc.

+ Nếu bụng chướng tiện bế thì gia thêm: chỉ xác, đại hoàng, mang tiêu để thông phủ tiết nhiệt. Nếu nhiệt thịnh, tân thương, miệng khát tâm phiền phải gia thêm: hoàng liên, thiên hoa phấn, chi mẫu để thanh nhiệt, sinh tân, trừ phiền.

Châm cứu: Mỗi bệnh cảnh tương ứng, thầy thuốc sẽ đề ra các huyệt thích hợp để châm cứu cho bệnh nhân.

châm cứu huyệt túc tam lý trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Các huyệt thường sử dụng là Túc Tam Lý, Tam Âm Giao, Âm Lăng Tuyền, Dương Lăng Tuyền, Thái Khê, Phi Dương,… Châm cứu sẽ góp phần cải thiện triệu chứng tê nặng mỏi ở người bệnh.