Nội dung bài viết
Đại cương về bệnh sỏi thận tiết niệu
Sỏi thận tiết niệu (Nephrolithiasis) là bệnh lý thường gặp nhất của đường tiết niệu, bệnh lý này gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Tuổi mắc bệnh thường là từ 30 – 55 tuổi, nhưng cũng có thể gặp ở trẻ em (sỏi bàng quang). Tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận tiết niệu chung trên toàn thế giới vào khoảng 3% dân số và khác nhau giữa các quốc gia.
Hiện nay, bệnh sỏi thận rất phổ biến ở các nước nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, thường hình thành khi nước tiểu bị lắng cặn, khiến các khoáng chất kết dính lại với nhau. Hầu hết các loại sỏi thận đều tự thoát ra ngoài tự nhiên và có thể khiến người bệnh rất đau. Tuy nhiên nếu được điều trị kịp thời sẽ không ra các tổn hại và các biến chứng về sau
Đặc điểm của bệnh là sự kết hợp những cục sạn (to nhỏ tuỳ trường hợp) trong Thận và đường tiểu, tạo nên sự ngăn trở trong việc bài tiết. Số người mắc bệnh này theo một số công trình nghiên cứu cho thấy cứ khoảng 1000 người, có 1 người mắc bệnh. Theo công trình nghiên cứu ở Hoa Kỳ, số người bị sỏi lại lần thứ hai: 15% sau 1 năm, 40% trong vòng 2 năm, 50% trong vòng 10 năm.
Nguyên nhân gây bệnh sỏi thận
Sử dụng thuốc tùy tiện
Việc tự kê đơn, sử dụng thuốc bừa bãi không theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ có thể dẫn tới bệnh sỏi thận. Theo thống kê của các chuyên gia tại Anh quốc cho thấy, việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận. Một số nhóm kháng sinh được nhắc tới như: Cephalosporin, Penicillin…
Chế độ ăn uống không hợp lý
Thói quen ăn mặn, nhiều dầu mỡ làm tăng thể tích tuần hoàn điều này đồng nghĩa các chất khoáng được lọc qua thận nhiều hơn làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận.
Thói quen uống ít nước
Khi lượng nước đưa vào cơ thể quá ít, không đủ để thận lọc và đào thải ra ngoài điều này làm cho nước tiểu trở nên đậm đặc, tạo điều kiện cho các chất khoáng kết tinh lại và gây bệnh sỏi thận.

Mất ngủ kéo dài
Mô thận sẽ có khả năng tự tái tạo tổn thương khi cơ thể chìm vào giấc ngủ. Do đó, khi bạn bị mất ngủ kéo dài thì chức năng này sẽ không được thực hiện, càng để lâu thì nguy cơ dẫn tới sỏi thận càng tăng.
Nhịn ăn sáng
Dịch mật đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn. Đặc biệt vào buổi sáng, cơ thể cần nhiều năng lượng sau 1 đêm ngủ dài. Tuy nhiên, việc nhịn ăn sáng khiến dịch mật bị tích tụ trong túi mật và đường ruột dẫn tới sỏi thận.
Nhịn tiểu
Việc nhịn tiểu thường xuyên khiến các chất khoáng không được đào thải mà dẫn đến sự lắng đọng. Khi lượng calci tích tụ lại đủ lớn sẽ hình thành sỏi trong thận.
Triệu chứng bệnh sỏi thận
Đau lưng, đau vùng mạn sườn dưới
Niệu quản là đường dẫn nước tiểu từ thận tới bàng quang. Khi sỏi được hình thành ở đây sẽ gây ra sự cọ xát hoặc tắc ứ nước tiểu dẫn tới triệu chứng đau ở lưng, đau có thể lan ra phía bụng dưới, mạn sườn và bắp đùi.
Đau khi đi tiểu
Sỏi thận di chuyển từ niệu quản tới bàng quang hoặc từ bàng quang tới niệu đạo (đoạn cuối cùng trước khi tống nước tiểu ra ngoài) sẽ gây đau thậm chí đau buốt khi đi tiểu.
Tiểu ra máu
Sự cọ xát của sỏi khi nó di chuyển dẫn tới những tổn thương. Đây được xem như triệu chứng hay gặp của bệnh sỏi thận. Tùy vào những tổn thương mà biểu hiện tiểu ra máu có thể nhìn thấy được bằng mắt thường hoặc phải quan sát trên kính hiển vi mới thấy được.
Tiểu dắt, tiểu són
Khi sỏi ở niệu quản hay bàng quang, người bệnh sẽ có cảm giác buồn đi tiểu và rất hay đi tiểu tuy nhiên, lượng nước tiểu lại rất ít. Điều này khiến cho cơ thể cảm thấy bị mệt mỏi. Đặc biệt khi sỏi ở niệu quản và gây tắc, nước tiểu không xuống được bàng quang và ứ tại thận gây ra những cơn đau quặn thận.
Cảm giác buồn nôn và nôn
Thận và ruột có liên quan tới nhau qua các dây thần kinh. Khi bị sỏi thận có thể gây ra những ảnh hưởng tới đường tiêu hóa và khiến bạn bị buồn nôn và thậm chí là nôn.
Hay sốt và cảm giác ớn lạnh
Bệnh sỏi thận rất dễ dẫn tới nhiễm trùng đường tiết niệu. Bởi, khi sỏi di chuyển gây ra những tổn thương hoặc sỏi gây tắc, nước tiểu không thể tống được ra ngoài. Tất cả những điều này sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng ngược dòng.
Bệnh sỏi thận có diễn biến âm thầm và biểu hiện cũng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Tuy nhiên, qua những triệu chứng kể trên ta có thể thấy việc xuất hiện cơn đau quanh vùng rốn không phải là triệu chứng của bệnh sỏi thận. Hãy nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được thăm khám nếu như bạn nghi ngờ mình đã có 1 trong những dấu hiệu trên.
Chuẩn đoán về bệnh sỏi thận
Lâm sàng
a) Sỏi đường tiết niệu trên.
Gồm sỏi thận, bể thận, niệu quản. Các triệu chứng thường gặp là:
– Cơn đau quặn thận: xuất hiện đột ngột, sau khi gắng sức, khởi phát ở vùng hố thắt lưng một bên, lan ra phía trước, xuống dưới, cường độ đau thường mạnh, không có tư thế giảm đau. Có thể phân biệt hai trường hợp
+ Cơn đau của thận do sự tắc nghẽn bể thận và đài thận: đau ở hố thắt lưng phía dưới xương sườn 12, lan về phía trước hướng về rốn và hố chậu.
+ Cơn đau của niệu quản: xuất phát từ hố của thắt lưng lan dọc theo đường đi của niệu quản, xuống dưới đến hố chậu bộ phận sinh dục và mặt trong đùi.
– Triệu chứng kèm theo cơn đau quặn thận là buồn nôn, nôn mửa, chướng bụng do liệt ruột. Có thể có sốt, rét run nếu có nhiễm trùng kết hợp.

b) Sỏi đường tiết niệu dưới.
Gồm sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.
– Sỏi bàng quang sẽ kích thích niêm mạc bàng quang gây tiểu buốt, rát, tiểu láu.
– Tiểu tắc giữa dòng.
– Khám ấn điểm bàng quang đau.
– Sỏi niệu đạo sẽ gây bí tiểu, khám lâm sàng thường phát hiện được cầu bàng quang, sờ nắn dọc theo niệu đạo có thể thấy sỏi
Cận lâm sàng
a) Xét nghiệm nước tiểu
– Tìm tế bào và vi trùng: Nước tiểu có nhiều hồng cầu, bạch cầu. Có thể thấy vi trùng khi ly tâm soi và nhuộm Gram khi có biến chứng nhiễm trùng. Cần cấy nước tiểu trong trường hợp nghi ngờ có nhiễm trùng.
– Soi cặn lắng: có thể thấy tinh thể Oxalat, Phosphat, Calci.
– pH nước tiểu
– Protein niệu
b) Siêu âm:
Phát hiện sỏi, độ ứ nước của thận và niệu quản, độ dầy mỏng của chủ mô thận. Đây là xét nghiệm thường được chỉ định trước tiên khi nghi ngờ có sỏi hệ tiết niệu vì đơn giản, rẻ tiền, không xâm nhập và có thể lập lại nhiều lần không có hại cho bệnh nhân. Nhiều trường hợp sỏi không triệu chứng được phát hiện tình cờ khi khám siêu âm kiểm tra thường quy hoặc siêu âm bụng vì một lý do khác.
c) X quang bụng không chuẩn bị (ASP):
Xác định vị trí sỏi cản quang, cho biết kích thước số lượng và hình dáng của sỏi. Rất có giá trị vì hầu hết sỏi hệ tiết niệu ở Việt nam là sỏi cản quang.
d) Chụp hệ tiết niệu qua đường tĩnh mạch (UIV): cho biết
– Hình dáng thận, đài bể thận, niệu quản.
– Vị trí của sỏi trong đường tiết niệu.
– Mức độ giãn nở của đài bể thận, niệu quản.
– Chức năng bài tiết chất cản quang của thận từng bên.
e) Chụp X quang niệu quản thận ngược dòng
– Phát hiện sỏi không cản quang.
– Có giá trị trong trường hợp thận câm trên phim UIV.
f) Chụp X quang niệu quản thận xuôi dòng
g) Soi bàng quang
Thường ít dùng để chẩn đoán sỏi, nhưng có thể nội soi can thiệp lấy sỏi.
Điều trị bệnh sỏi thận
Điều trị ngoại khoa
Các bác sĩ sẽ cân nhắc tới hướng điều trị ngoại khoa, lấy sỏi ra ngoài, khi kích thước sỏi quá lớn gây ra những tổn thương và biến chứng nghiêm trọng, cần được cấp cứu tức thời. Hiện nay có rất nhiều phương pháp hiện đại được sử dụng, ưu tiên là các phẫu thuật ít xâm lấn như: Nội soi tán sỏi qua da mà không cần mổ, tán sỏi nội soi, mổ nội soi…
Điều trị nội khoa
Đối với kích thước viên sỏi nhỏ hoặc giai đoạn đầu của bệnh sỏi thận, các bác sĩ có thể cân nhắc tới hướng điều trị nội khoa. Mục đích chính của điều trị nội khoa là hỗ trợ, tạo điều kiện để bệnh nhân đái ra sỏi. Đây được xem như là phương pháp khá an toàn, phù hợp với đại đa số người bệnh và còn đem lại sự hiệu quả trong điều trị.
Để đạt được điều đó cần phải có sự kết hợp các giữa yêu cầu khi sử dụng thuốc như: Tăng khả năng bào mòn sỏi, rút ngắn thời gian điều trị. Tăng lượng nước tiểu qua thận để giúp đưa sỏi ra ngoài dễ dàng hơn. Chống viêm, chống nhiễm khuẩn, ngăn ngừa biến chứng.
Phòng ngừa bệnh sỏi thận
Nên uống đủ lượng nước trong 1 ngày (2-3 lít nước/ngày).
Nước chanh là 1 sự lựa chọn tốt vì có thể giúp phòng ngừa sỏi axit uric cũng như oxalat canxi.
Sử dụng caffeine 1 cách hợp lý.
Hạn chế các sản phẩm làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận như soda, trà đá, dâu tây, các loại hạt…
Thực hiện ăn nhạt, cắt giảm lượng muối.
Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cholesterol.
Duy trì khối lượng cơ thể hợp lý.
Bệnh sỏi thận có diễn biến âm thầm, người mắc bệnh sỏi thận có thể không nhận ra cho tới khi đi khám.. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì rất có thể sẽ dẫn tới biến chứng suy thận. Do vậy việc cung cấp các kiến thức về bệnh sỏi thận để sớm nhận biết cũng như phòng ngừa là điều quan trọng.
Theo Y Học Cổ Truyền
Sỏi thận – niệu quản được xếp vào 5 chứng lâm của đông y là: Nhiệt lâm, thạch lâm, huyết lâm, cao lâm và lao lâm.
Nguyên nhân gây nên sỏi thận – sỏi niệu quản theo y học cổ truyền:
Do Khí Huyết Uất Kết, Thuỷ Tích Lại Thành Sỏi: Cảm phải hàn tà bên ngoài xâm nhập, hàn tà theo kinh túc Thiếu âm Thận nhập vào các nang thận hoặc do ăn uống thức ăn lạnh nhiều quá, hàn tà tích trệ làm tổn thương Tỳ, Thận. Thận kinh có âm hàn thịnh bên trong, hoặc hàn khí trú ở mạch quyết âm, tính của hàn là ngưng tụ, ức chế phần dương khiến cho mạch lạc bị co rút, kinh lạc bị ngăn trở. Hoặc vùng lưng bị tổn thương khiến cho Thận kinh không được nuôi dưỡng.
Hoặc do nằm nhiều, ít vận động, khí huyết lưu hành không thông. Hoặc Can khí bị uất kết, không sơ tiết được, Can lạc không thông, khiến cho bị uất hoá thành hoả. Khí và hoả bị uất đó dồn xuống hạ tiêu, Bàng quang khí hoá không được thông, thuỷ thấp đình tụ lại, trọc niệu ngưng tụ lại thành ra sỏi.
Bàng Quang Thấp Nhiệt, Kết lại Thành Sỏi: Do thấp nhiệt, tà độc bên ngoài xâm nhập, uẩn kết ở Bàng quang. Hoặc tạng phủ có tà nhiệt dồn xuống Bàng quang. Hoặc do hạ chi có đơn độc uẩn kết ở lạc mạch, dồn vào Bàng quang. Hoặc do ăn nhiều thức ăn béo, ngọt quá, Tỳ không vận hoá được, Tạng phủ mất điều hoà, sinh ra thấp nhiệt ở bên trong, dồn vào hạ tiêu, vào Bàng quang. Hoặc do ngoại cảm hàn tà, hoá thành nhiệt nhập vào các nang Thận, hợp với thấp nhiệt ở hạ tiêu, thấp nhiệt kết lại ở Bàng quang, thấp nhiệt nung nấu thuỷ dịch, nước tiểu bị nung nấu hoá thành sỏi.
Thận Khí Bất Túc, Thuỷ Kết Thành Sỏi: Do tiên thiên bất túc, Thận khí suy yếu, hoặc do bệnh phải nằm lâu ngày, ăn uống kém, tạng khí hư yếu. Hoặc do lao nhọc quá sức làm tổn thương Tỳ Thận, Thận khí bất túc, tà nhiệt dồn vào Bàng quang, Bàng quang khí hoá thất thường, thuỷ không hoá thành khí được, nước tiểu đọng lại kết thành sỏi.
Biện chứng theo Đông Y
1. Khí Huyết Uất Kết:
Lưng, hông, bụng đột nhiên đau dữ dội, đau không chịu nổi, đau có chỗ nhất định, khi đau ấn vào càng khó chịu, đau có thể lan xuống hậu môn và đùi, nước tiểu có thể tự són ra, có thể kèm buồn nôn, nôn mửa, tiểu ra máu. Nếu tiểu ra sỏi thì hết đau ngay, rêu lưỡi trắng, mạch Huyền Khẩn.
Điều trị:
Hành khí, lợi thuỷ, thông lâm, bài thạch. Dùng bài Thạch Vi Tán hợp với Bát Chính Tán: Thạch vi, Cù mạch, Hoạt thạch, Xa tiền tử, Mộc thông, Đông quỳ tử, Phục linh, Cam thảo, Biển súc, Đại hoàng, Chi tử. Thạch vi, Cù mạch, Đông quỳ tử, Biển súc thông lâm, bài thạch, hành khí, lợi thuỷ; Hoạt thạch, Cam thảo, Xa tiền tử, Mộc thông lợi thấp, thanh nhiệt; Phục linh đạm thấm lợi thấp; Chi tử thanh thấp nhiệt ở Tam tiêu; Đại hoàng tả hoả, khứ ứ, địch trọc. Nếu tiểu rít, buốt, đau, thêm Kim tiền thảo, Hải kim sa; Tiểu ra máu, thêm Bạch mao căn, Đại kế, Tiểu kế, Sinh địa. Đau quặn thêm Mộc hương, Bạch thược để hoãn cấp, chỉ thống. Sỏi lâu ngày không thay đổi thêm Ngưu tất, Vương bất lưu hành, Xuyên luyện tử, Đào nhân, Xuyên khung, Quy vĩ, Chỉ thực là những vị quét sỏi, phá khí, hoạt huyết (Trung Y Cương Mục).
Hành khí, hoạt huyết, thông lâm, bài thạch. Dùng bài Trầm Hương Tán hợp với Huyết Phủ Trục Ứ Thang gia giảm: Đào nhân, Sinh địa, Kê nội kim, Trầm hương đều 12g, Hồng hoa, Đương quy, Xuyên khung, Xích thược, Ngưu tất, Binh lang, Xích phục linh, Tiểu hồi hương, Mộc hương đều 9g, Chỉ xác 6g, Cam thảo 3g. Đào nhân, Hồng hoa, Đương quy, Xuyên khung, Chỉ xác, Ngưu tất hoạt huyết, hoá ứ, chỉ thống. Trầm hương, Binh lang, Tiểu hồi hương, Mộc hương, Chỉ xác hành khí (nhất là ở hạ tiêu), tiêu chướng, chỉ thống; Sinh địa lương huyết, dưỡng âm chỉ huyết; Xích phục linh thanh trừ thấp nhiệt; Kê nội kim hoá thạch.
CHÂM CỨU:
Kinh môn, Thận du, Uỷ dương, Nhiên cốc. Châm tả, kích thích mạnh. (Kinh môn, Thận du thông lâm, bài thạch; Uỷ dương, Nhiên cốc thanh nhiệt, trừ thấp). Lưng dưới đau lan đến bụng dưới hoặc xuống bộ phận sinh dục thêm Thuỷ tuyền, huyệt đặc hiệu trị đau do sỏi thận gây nên. Sau khi kích thích mạnh và vê kim huyệt Thuỷ tuyền 30 phút, châm huyệt Tinh linh. Nếu do thấp nhiệt, thêm Trung cực.
Nếu đau ít nhưng có dấu hiệu về đường tiểu, không dùng Uỷ dương và Nhiên cốc mà dùng Bàng quang du và Trung cực. Sau cơn đau, nếu sạn hoặc sỏi nhỏ vẫn còn, thay Uỷu dương và Nhiên cốc bằng Túc tam lý, châm mỗi ngày một lần .
2. Bàng Quang Thấp Nhiệt:
Lưng hông, và bụng đau, ấn vào đau hơn, sốt cao, sợ lạnh, miệng khô, đắng, tiểu nhiều, tiểu gắt, tiểu rít, buốt, bụng dưới đau rút, đau lan đến rốn, nước tiểu vàng, đục, đỏ hoặc có máu, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Hoạt Sác hoặc Huyền Sác.
Điều trị:
Thanh lợi thấp nhiệt, giải độc, thông lâm, hoá trọc, bài thạch. Dùng bài Thạch Vi Tán hợp với Hoàng Liên Giải Độc Thang: Hoàng liên, Hoàng cầm, Hoàng bá, Chi tử, Thạch vi, Cù mạch, Hoạt thạch, Xa tiền tử, Mộc thông, Đông quỳ tử, Xích phục linh, Cam thảo. Hoàng liên, Hoàng cầm, Hoàng bá, Chi tử là bài thuốc rất đắng, lạnh để tả hoả độc hợp với Thạch Vi Tán để thanh lợi thấp nhiệt, thông lâm, bài thạch. Tiểu ra máu tươi là nhiệt làm tổn thương phần âm, thêm Sinh địa tươi, Địa du, Bạch mao căn, Đại kế, Tiểu kế để lương huyết, chỉ huyết (Trung Y Cương Mục).
Thanh nhiệt, trừ thấp, thông lâm, bài thạch. Dùng bài Bát Chính Tán gia giảm: Hoạt thạch, Xa tiền tử, Kim tiền thảo đều 30g, Sinh địa 18g, Biển súc, Cù mạch đều 15g, Hoàng bá, Vương bất lưu hành, Đông quỳ tử, Ngưu tất đều 12g, Mộc thông, Cam thảo đều 3g. Xa tiền tử, Hoạt thạch, Biển súc, Cù mạch, Đông quỳ tử, Mộc thông thanh nhiệt, trừ thấp; Hoạt thạch, Kim tiền thảo thông lâm, bài thạch; Sinh địa lương huyết, tư âm để ngăn không cho nhiệt làm tổn thương âm; Vương bất lưu hành, Ngưu tất hoạt huyết, hoá ứ, chỉ thống; Cam thảo điều hoà các vị thuốc và giải cơ, chống co thắt.
Tiểu ra máu thêm Bạch mao căn, Tiểu kế đều 12g, Trắc bá diệp 9g. Nôn mửa thêm Trúc nhự, Bán hạ đều 9g. Nóng lạnh thêm Sài hồ, Hoàng cầm đều 9g. Đau quặn thêm Bạch thược, Diên hồ sách đều 15g và tăng Cam thảo lên đến 9g (Có thể thay Diên hồ sách bằng Mộc hương, Hương phụ đều 6g). Sỏi rớt xuống mà không ra được thêm Hải kim sa, Thạch vi, tăng Kim tiền thảo lên 30g (Trường hợp này, bệnh nhân phải tương đối khoẻ và cục sạn có đường kính dưới 0,5mm). Táo bón, nước tiểu vàng thêm Đại hoàng 6g, Chi tử 12g
Tư âm, thanh nhiệt, bổ Thận, bài thạch. Dùng bài Ích Thận Bài Thạch thang gia giảm: Thục địa, Hải kim sa, Thạch vi, Trạch tả, Hoạt thạch đều 30g, Hà thủ ô 20g, Tang ký sinh, Đơn bì đều 15g, Đương quy, Đỗ trọng, Bạch mao căn đều 12g. Thục địa, Hà thủ ô, Tang ký sinh, Đương quy, Đỗ trọng bổ Can Thận, dưỡng huyết, tư âm; Hải kim sa, Thạch vi, Trạch tả, Bạch mao căn thông lâm, bài thạch; Đơn bì thanh nhiệt, hoạt huyết.
Có hư hoả thêm Tri mẫu, Hoàng bá đều 9g. Ngũ tâm phiền nhiệt thêm Thiên môn 12g, Chi tử 9g. Có sỏi lâu ngày thêm Kim tiền thảo, Kê nội kim đều 9g. Âm làm tổn thương dương, thêm Bổ cốt chỉ, Dâm dương hoắc, Tiên mao đều 9g. Tiểu ra máu thêm Tiểu kế, Đại kế đều 15g, Địa du 9g.
CHÂM CỨU: Kinh môn, Thận du, Thái khê. (Thận du bổ Thận, tả Kinh môn để thông lâm, bài thạch; Bình bổ bình tả Thái khê để bổ Thận âm, bài thạch) Thắt lưng đau lan đến bụng dưới và bộ phận sinh dục, thêm Thuỷ tuyền. Tiểu buốt, khó thêm Quan nguyên. Nếu còn sạn và sỏi nhỏ thêm Khí hải du, Bàng quang du. Tỳ khí hư thêm Túc tam lý. Thận âm hư tổn thêm Phục lưu
3. Thận Khí Hư Suy:
Lưng gối đau dữ dội, sắc mặt trắng nhạt, tinh thần uể oải, lưng đau từng cơn, lan xuống bụng dưới, tiểu nhiều lần nhưng không thoải mái, rêu lưỡi trắng, mạch Tế Nhược.
Điều trị: Ích khí, bổ Thận, thông lâm, bài thạch. Dùng bài Trị Thạch Lâm Phương (Trung Y Cương Mục): Thục địa, Sơn thù, Trạch tả, Ý dĩ nhân, Xa tiền tử, Khiếm thực, Phục linh, Mạch môn, Thanh lam, Cốt toái bổ, Nhục quế. Thục địa, Sơn thù, Mạch môn, Cốt toái bổ tư âm, bổ Thận, hợp với Nhục quế để tráng dương, ích Thận, Thận khí mạnh lên thì sẽ tự hoá thuỷ; Trạch tả, Ý dĩ nhân, Xa tiền tử, Khiếm thực, Phục linh thấm thấp, lợi niệu, hoá trọc; Đại thanh lam vị mặn đi vào Thận, dẫn thuốc vào Thận.
4. Tỳ Thận Khí Hư:
Tiểu gắt, nước tiểu đỏ, mỗi khi lao động nặng lại càng khó chịu hơn, có khi tiểu ra sạn nhỏ, khi tiểu cảm thấy hơi đau, mệt mỏi, bụng chướng, tiêu lỏng, lưng đau, gối và chân đau, tinh thần mệt mỏi, không có sức, lưỡi nhạt, mạch tế, nhược.
Điều trị: Kiện Tỳ, bổ Thận, ích khí, bài thạch. Dùng bài Vô Bỉ Sơn Dược Tán gia giảm:
Kim tiền thảo, Hải kim sa đều 30g, Sơn thù 18g, Thục địa, Ngưu tất đều 12g, Sơn dược, Thỏ ty tử, Ngũ vị tử, Phục linh, Nhục thung dung, Đơn bì, Thạch xương bồ, Kê nội kim, Xa tiền tử đều 9g, Phụ tử, Nhục quế đều 6g. Thục địa, Sơn thù, Ngưu tất, Sơn dược, Thỏ ty tử, Ngũ vị tử, Nhục thung dung, Phụ tử, Nhục quế bổ Thận khí, âm và dương; Sơn dược, Phục linh bổ Tỳ, ích khí; Kim tiền thảo, Hải kim sa, Phục linh, Xa tiền tử, Kê nội kim thông lâm, bài thạch; Thạch xương bồ thấm thấp trừ trọc; Đơn bì hoạt huyết, hoá ứ .
CHÂM CỨU:
Kinh môn, Thận du, Túc tam lý. (Thận du bổ Thận, Túc tam lý kiện Tỳ, Kinh môn thông lâm, bài thạch). Thắt lưng đau lan đến bụng dưới và bộ phận sinh dục, thêm Thuỷ tuyền. Tiểu buốt, khó thêm Quan nguyên.
Nếu còn sạn và sỏi nhỏ thêm Khí hải du, Bàng quang du. Tỳ khí hư thêm Thái bạch. Thận khí hư thêm Thái khê. Bụng chướng, chán ăn, nôn mửa thêm Nội quan, Công tôn . Can Thận Âm Hư: Thắt lưng đau, gối đau, tê, chóng mặt, ù tai, sốt về chiều, mồ hôi trộm, mô đỏ,miệng khô, họng táo, tiểu khó, có thể tiểu ra sạn, lưỡi đỏ, mạch Trầm, Tế, Sác
5. Thận Dương Hư:
Lưng đau, gối mỏi, chân tê, mệt mỏi, không có sức, sợ lạnh, chân tay lạnh, tiểu nhiều, khó bài tiết nước tiểu ra, nước tiểu vàng, tiểu xong hơi đau, tiểu đêm, có khi tiểu ra sạn nhỏ, sắc mặt trắng nhạt, lưỡi nhạt, mạch Trầm Tế.
Điều trị: Ôn bổ Thận dương, thông lâm, bài thạch. Dùng bài Kim Quỹ Thận Khí Hoàn gia giảm: Kim tiền thảo, Hải kim sa đều 30g, Thục địa 15g, Sơn thù 12g, Sơn dược, Phục linh, Trạch tả, Ngưu tất, Chi tử đều 9g, Quế chi, Phụ tử đều 6g. Thục địa, Sơn thù, Sơn dược, Ngưu tất, Quế chi, Phụ tử bổ Thận âm Thận dương; Kim tiền thảo, Hải kim sa, Phục linh, Trạch tả, Chi tử thông lâm, bài thạch.
CHÂM CỨU:
Kinh môn, Thận du, Thái khê, Quan nguyên. Bổ Thận du, Cứu Quan nguyên để bổ Thận tráng dương; Tả Kinh môn thông lâm, bài thạch; Bình bổ bình tả Thái khê vừa bổ Thận khí vừa bài thạch.