Nội dung bài viết
Đại cương về sa sút trí tuệ ( viết tắt SSTT )
Định nghĩa
– Sa sút trí tuệ ( viết tắt SSTT ) là một hội chứng mắc phải với biểu hiện mất chức năng nhận thức, thay đổi về hành vi và mất chức năng xã hội.
– Chẩn đoán chuẩn của SSTT ( theo DSM-IV ) đòi hỏi phải có sự giảm sút về trí nhớ và các chức năng nhận thức khác đủ nặng để ảnh hưởng tới sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày.
Dịch tễ học
– SSTT là bệnh rất thường gặp ở người cao tuổi. Khoảng 6-10% người trên 60 tuổi mắc SSTT. Trên toàn thế giới có khoảng 24,3 triệu người mắc SSTT (số liệu năm 2001). Cứ sau mỗi 20 năm, số người mắc SSTT lại tăng lên gấp đôi, từ 42,3 triệu (năm 2020) lên 81,1 triệu (năm 2040).
– Tỷ lệ mắc mới SSTT cũng tăng nhanh, từ 0,2-0,5 % ở tuổi 60, tăng lên 4-11% ở tuổi 85.
– Nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho thấy, 4,6 % người già (>60 tuổi) mắc SSTT. Trung bình cứ sau mỗi 5 năm, tỷ lệ này lại tăng gần gấp đôi.
Nguyên nhân
SSTT là một hội chứng lâm sàng do nhiều nguyên nhân gây nên.
Các thể sa sút trí tuệ thường gặp
- Bệnh Alzheimer và SSTT thể Lewy (50-75%)
- SSTT do mạch máu (15-20%)
- SSTT liên quan đến rượu
- Ở người dưới 65 tuổi, SSTT thuỳ trán – thái dương có thể chiếm 50% tất cả các SSTT
- SSTT do HIV là thể SSTT thường gặp nhất ở người <55 tuổi

Các thể sa sút trí tuệ ít gặp
- SSTT do thoái hoá tiên phát
- SSTT thể Lewy lan toả (7-26% của SSTT)
- SSTT thuỳ trán-thái dương (bệnh Pick, bệnh Huntington…)
- Các bệnh thần kinh phối hợp với SSTT
- SSTT trong bệnh Parkinson, u não, chấn thương sọ não, máu tụ dưới màng cứng, bệnh mất myeline
- Các nguyên nhân nhiễm trùng
- Giang mai thần kinh, bệnh Lyme
- SSTT sau viêm não (đặc biệt là do herpes)
- Viêm não do virus, ký sinh trùng, vi khuẩn và nấm
- Nhiễm trùng cơ hội hoặc áp xe não
- Các nguyên nhân nội khoa
- Bệnh tuyến giáp và thượng thận
- Thiếu vitamin (thiamin, niacin, B12)
- Bệnh chuyển hoá (bệnh não do gan, SSTT sau lọc máu…)
- Các thuốc (an thần, chống THA, thuốc ngủ, kháng cholinergic)
- Bệnh Whipple, sarcoidosis, bệnh Wilson
- Ngộ độc kim loại nặng
Sa sút trí tuệ tiến triển nhanh
- Viêm não Hashimoto (có thể điều trị bằng steroid)
- Các hội chứng thoái hoá tiểu não
- Bệnh não dạng xốp
- Hội chứng cận ung thư
- Viêm não do virus
- Một số rất ít bệnh Alzheimer, SSTT thể Lewy, SSTT thuỳ trán-thái dương
Yếu tố nguy cơ
Yếu tố nguy cơ của bệnh Alzheimer
- Tuổi
- Tiền sử gia đình
- Hội chứng Down (ba nhiễm sắc thể 21)
- Chấn thương sọ não (đặc biệt giai đoạn cuối đời)
- Giới nữ
- Chủng tộc (người da trắng có nguy cơ thấp nhất)
- Trầm cảm xuất hiện muộn (sau tuổi 65)
- Suy giảm nhận thức nhẹ ( Mild Cognitive Impairment (MCI) )
Các yếu tố nguy cơ khác của sa sút trí tuệ
- Bệnh mạch não (và các yếu tố nguy cơ tim mạch bao gồm hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng cholesterol máu, tăng huyết áp) phối hợp với tăng nguy cơ SSTT do mạch máu.
- Trầm cảm nặng tái phát nhiều lần làm tăng nguy cơ SSTT nói chung
- Cường giáp tiền lâm sàng (đặc biệt khi có kháng thể kháng giáp)
Yếu tố di truyền
- Nhiễm sắc thể 19: Tính trạng lặn – Apolipoprotein E-4 allele gây SSTT khởi phát muộn (không liên quan với người không phải là da trắng)
- Nhiễm sắc thể 1, 14, 21: đột biến trội phối hợp với các trường hợp SSTT khởi phát sớm/có tính chất gia đình, liên quan đến gien sinh amyloid
Biến chứng
Sa sút trí tuệ có thể dẫn đến các vấn đề như:
- Dinh dưỡng không hợp lí. Nhiều bệnh nhân sa sút trí tuệ thường ăn uống ít hoặc không chịu ăn uống. Họ quên ăn hoặc nghĩ là mình đã ăn rồi. Những thay đổi về giờ giấc bữa ăn hay những tiếng ồn làm xao lãng từ môi trường cũng ảnh hưởng đến việc họ ăn như thế nào.
Người bị sa sút trí tuệ giai đoạn cuối thường mất khả năng điều khiển các cơ nhai và nuốt. Điều này khiến bạn dễ bị nghẹn hoặc sặc thức ăn vào phổi gây tắc nghẽn đường thở hoặc gây viêm phổi. Bạn cũng có thể mất đi cảm giác đói và không còn muốn ăn.
Trầm cảm, các tác dụng phụ của thuốc, táo bón và vài tình trạng khác cũng có thể làm giảm sự hứng thú của bạn trước thức ăn.
- Vệ sinh không đảm bảo. Người bị sa sút trí tuệ giai đoạn từ trung bình đến nặng thậm chí sẽ mất cả khả năng hoàn thành các hoạt động sống hàng ngày một cách độc lập. Bạn không thể tự tắm, mặc quần áo, chải đầu, đánh răng hay sử dụng toilet một mình.
- Uống thuốc khó khăn. Vì trí nhớ của bạn đã bị ảnh hưởng, bạn có thể sẽ quên liều thuốc và giờ uống thuốc.
- Suy thoái tinh thần. Sa sút trí tuệ khiến bạn thay đổi về tính cách và thái độ, có thể do những thay đổi thực sự trong não hoặc do sự phản ứng của cảm xúc trước bệnh của mình. Sa sút trí tuệ có thể dẫn đến trầm cảm, kích động, hỗn loạn, lo lắng, mất khả năng ức chế, rối loạn định hướng.
- Khó khăn trong giao tiếp. Khi bệnh tiến triển, bạn thường mất khả năng nhớ tên người hay đồ vật. Bạn có thể gặp rắc rối khi giao tiếp hay hiểu người khác. Điều này thường khiến bạn cảm thấy dễ bị lay động, cô lập và trầm cảm.
- Ảo tưởng và ảo giác. Bạn có thể có những ảo tưởng sai lầm về người hay về cảnh. Vài người có thể có những ảo thị, đặc biệt là ở những bệnh nhân sa sút trí tuệ với thể Lewy.
- Khó ngủ. bạn có thể bị khó ngủ, chẳng hạn hay bị thức dậy sớm vào buổi sáng. Vài bệnh nhân sa sút trí tuệ còn bị hội chứng chân không yên hay rối loạn hành vi trong giấc ngủ REM (giấc ngủ chuyển động mắt nhanh), điều này cũng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Những thách thức sự an toàn cá nhân. Vì bị giảm khả năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, những tình huống diễn ra hàng ngày có thể ảnh hưởng sự an toàn của bệnh nhân sa sút trí tuệ, như lái xe, nấu ăn, té, bị mất mát, hay khi vượt những trở ngại.
Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng của sa sút trí tuệ thay đổi tùy theo từng nguyên nhân, các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Giảm trí nhớ.
- Khó khăn trong giao tiếp.
- Khó khăn trong các việc phức tạp.
- Khó khăn trong lập kế hoạch và tổ chức công việc.
- Khó khăn trong các chức năng phối hợp và vận động.
- Gặp vấn đề trong định hướng, chẳng hạn như trở nên lạc lõng, mất phương hướng.
- Thay đổi nhân cách.
- Không thể suy luận.
- Hành vi không thích hợp.
- Hoang tưởng.
- Kích động.
- Ảo giác.

Cận lâm sàng
– Cần làm các xét nghiệm cơ bản thường quy về huyết học (công thức máu; tốc độ máu láng …), sinh hóa (máu, nước tiểu), vi sinh y học (chú ý phản ứng viêm gan, giang mai, HIV…). Cần chú ý tới nồng độ vitamin B12, chức năng tuyến giáp, nồng độ một số thuốc trong cơ thể.
– Thăm dò chức năng: ghi điện tim, ghi điện não …
– Hình ảnh học: Siêu âm Doppler, siêu âm xuyên sọ, chụp X quang quy ước ngực, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp mạch máu não (CLVT, CHT, số hóa xóa nền), chụp CLVT phát điện tử dương (PET), chụp CLVT phát photon đơn (SPECT).
– Xét nghiệm dịch não-tủy.
Biện pháp phòng ngừa
– Hạn chế sử dụng rượu
– Điều trị xơ vữa động mạch
– Điều trị huyết áp
– Kiểm soát Cholesterol
– Tránh trầm cảm
– Kiểm soát Bệnh tiểu đường
– Không hút thuốc lá
– Hoạt động thể lực hợp lý
Tây y điều trị bệnh
Điều trị
Phương pháp điều trị và thuốc
Hầu hết các thể bệnh sa sút trí tuệ là không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ giúp bạn điều trị các triệu chứng. Việc điều trị có thể làm chậm hoặc giảm thiểu sự phát triển của các triệu chứng.
• Ức chế cholinesterase. Các loại thuốc này – bao gồm donepezil (Aricept), rivastigmine (Exelon) và galantamine (Reminyl) – làm tăng mức độ dẫn truyền hóa học các thông tin liên quan đến trí nhớ và khả năng phán xét. Tác dụng phụ có thể gặp: buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Mặc dù chủ yếu được sử dụng để điều trị bệnh Alzheimer, các loại thuốc này cũng có thể điều trị sa sút trí tuệ mạch máu, sa sút trí tuệ trong bệnh Parkinson và sa sút trí tuệ với thể Lewy.
• Memantine. Memantine (Namenda) hoạt động bằng cách điều chỉnh hoạt động của glutamate. Glutamate là một chất hóa học có liên quan đến các chức năng não như học tập và trí nhớ. Một tác dụng phụ thường gặp của memantine là chóng mặt.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng kết hợp memantine với một chất ức chế cholinesterase có thể cho kết quả có lợi.
• Các thuốc khác. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc khác để điều trị các triệu chứng hay các bệnh khác, chẳng hạn như rối loạn giấc ngủ.
• Các phương pháp điều trị không dùng thuốc:
Liệu pháp nghề nghiệp. Bác sĩ có thể đề nghị lao động trị liệu nhằm giúp bạn điều chỉnh để có thể sống chung với tình trạng sa sút trí tuệ. Trị liệu này dạy cho bạn những thái độ để đối phó và cách để thích nghi với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày khi tình trạng của bạn đã thay đổi.
Điều chỉnh môi trường sống: Giảm sự lộn xộn và tiếng ồn để làm cho người bị mất trí nhớ dễ tập trung hơn. Nó cũng có thể làm giảm sự nhầm lẫn và cảm giác lạc lõng.
Điều chỉnh những đáp ứng của bạn với người bệnh: tránh sửa sai hay thách đố một người bị sa sút trí tuệ. Làm cho họ thấy yên tâm và xác nhận các mối quan tâm của họ có thể giúp xoa dịu họ. Khi nói chuyện với họ, bạn nên duy trì giao tiếp bằng mắt, nói chậm những câu đơn giản, và không vội vàng phản ứng.
Sửa đổi nhiệm vụ: sửa các công việc hay nhiệm vụ thường ngày của người bệnh thành các bước dễ dàng hơn, chú ý đến sự thành công và không nhắc đến thất bại. Hình thành các thói quen thường ngày cũng giúp giảm bớt sự nhầm lẫn ở những người bị sa sút trí tuệ.
Khuyến khích tập thể dục. Lợi ích tập thể dục tất cả mọi người, kể cả những người bị sa sút trí tuệ. Những lợi ích chính của bài tập bao gồm cải thiện sức mạnh và sức khỏe tim mạch. Một số nghiên cứu cũng cho thấy hoạt động thể chất có thể làm chậm sự tiến triển của suy giảm nhận thức ở bệnh nhân sa sút trí tuệ. Tập thể dục cũng có thể làm giảm triệu chứng trầm cảm, giúp duy trì kỹ năng vận động và tạo ra một tác dụng làm êm dịu.
Khuyến khích tham gia các trò chơi và hoạt động tư duy. Tham gia các trò chơi, câu đố ô chữ và các hoạt động khác trong đó mọi người đang sử dụng kỹ năng tư duy (nhận thức) có thể giúp làm chậm đi sự suy giảm tâm thần ở những người sa sút trí tuệ.
Vào ban đêm, tình trạng rối loạn hành vi của một số bệnh nhân sa sút trí tuệ thường nặng hơn. Vì thế, chúng ta cần chú ý tạo thói quen cho việc đi ngủ, tránh sự xáo trộn để người bệnh được bình tĩnh, tránh xa sự ồn ào của truyền hình cũng như hoạt động của các thành viên khác trong gia đình. Để đèn sáng khi ngủ giúp bệnh nhân giảm tình trạng mất phương hướng.
Hạn chế uống caffeine trong ngày, khuyến khích ngủ trưa ngắn và việc tập thể dục trong ngày cũng giúp ngăn ngừa sự bồn chồn trong giấc ngủ về đêm (hội chứng chân không yên).
Khuyến khích việc có một lịch nhắc nhở: điều này có thể giúp người bệnh nhớ được các sự kiện sắp tới, các hoạt động hàng ngày và lịch trình dùng thuốc. Nên xem xét việc chia sẻ lịch này với người thân để họ nhắc nhở bạn.
Kế hoạch cho tương lai: cùng với người thân của bạn lập ra mục tiêu cho việc chăm sóc trong tương lai. Một số nhóm hỗ trợ, tư vấn pháp luật, các thành viên gia đình và những người khác có thể giúp bạn. Bạn sẽ cần phải xem xét các vấn đề tài chính và pháp lý, an toàn và những quan tâm trong cuộc sống hàng ngày và cả loại hình chăm sóc dài hạn
Một số trị liệu khác như:
Âm nhạc trị liệu: như nghe những bài nhạc êm dịu
Trị liệu vật nuôi: liên quan đến việc dùng một con vật ví dụ nuôi chó, giúp cải thiện tâm trạng và hành vi ở bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Liệu pháp dùng hương thơm, thường là tinh dầu thực vật.
Liệu pháp xoa bóp
Thuốc bổ sung:
Vitamin E. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, vitamin E có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer.
Các axit béo Omega -3. Omega-3, một loại axit béo không bão hòa có trong cá và các loại hạt, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và suy giảm nhận thức nhẹ. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu, omega-3 dường như không làm chậm lại sự suy giảm về nhận thức trong bệnh Alzheimer nhẹ đến trung bình.
Coenzyme Q10. Chất chống oxy hóa này xuất hiện tự nhiên trong cơ thể, cần thiết cho các phản ứng tế bào bình thường.
Ginkgo. Chiết xuất từ lá của cây có tính chống oxy hóa và chống viêm (cây bạch quả), có thể bảo vệ các tế bào trong bộ não của bạn khỏi bị phá hủy. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất này có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer hoặc các loại khác của sa sút trí tuệ.
Đông y điều trị chứng “Kiện vong” hay chứng “ Lão suy”
Sa sút trí tuệ hay quên có liên quan chặt chẽ với 3 tạng tâm, tỳ và thận liên quan mật thiết với nhau.
Tâm chủ về huyết mạch, tâm huyết bất túc làm huyết mạch khó lưu thông, gây hồi hộp hay quên hay giận. Tâm lại chủ về thần minh, huyết đầy đủ thần minh sáng suốt. Tâm lại dựa vào thận mà thận chứa tinh thông lên não, não là bể của tinh tủy, chỗ dựa của sự ghi nhớ. Tỳ chủ sinh huyết nhiếp huyết. Tỳ suy thần mất nuôi dưỡng do khí huyết bất túc, thận tinh hư hao dẫn đến tâm thận bất giao. Do vậy, để điều trị chứng sa sút trí tuệ trong tâm phải “Dưỡng tâm an thần, bổ ích tỳ vị”. Sau đây là một số bài thuốc trị theo từng thể.
Sa sút trí tuệ do thận tinh suy hư và tâm thận bất giao
Nếu do thận tinh suy hư: thận chủ tinh, chủ xương sinh ra tủy, thông lên não. Khi thận tinh bất túc tủy hải rỗng không, biểu hiện chủ yếu là hay quên và tinh thần trì trệ, răng lung lay, tóc rụng, râu tóc bạc, xương mềm yếu, đi đứng khó khăn, mạch hư yếu… Phép điều trị là trọng tâm bổ tinh tủy. Dùng bài thuốc Hà xa đại tảo hoàn: tử hà sa một bộ, đỗ trọng 50g, mạch môn 50g, quy bản 80g, ngưu tất 60g, hoàng bá 50g, thiên môn 50g, thục địa 100g. Các vị chế thành viên hoàn. Ngày ăn 20g chia 2 lần.
Nếu do tâm thận bất giao: do thận âm tổn thương hay gặp lão suy ốm lâu, ảnh hưởng thận âm suy hư không dâng thủy lên giúp đỡ tâm (tủy của thận không giúp hỏa ở tâm) nên tâm hỏa uất mà bốc lên hun đốt, hỏa bốc càng cướp đoạt thận âm ở dưới, sự điều hòa tâm thận mất nên gây ra tâm thận bất giao. Tùy theo mức độ của bệnh mà có triệu chứng: thường xuyên hay quên, hư phiền mất ngủ, hồi hộp sợ sệt, đầu choáng tai ù, lưng gối mỏi, triều nhiệt (nóng hâm hấp về chiều), tiểu nhiều, mồ hôi trộm lưỡi có khi đỏ nứt… Hoặc nặng hơn tâm hỏa quá thịnh mà thận âm càng suy dẫn đến trên nhiệt dưới hàn mà có các phép trị và bài thuốc phù hợp:
Nếu thiên về tâm thận âm hư: phép điều trị là tư âm giáng hỏa, dưỡng tâm an thần. Dùng bài thuốc:
Bài 1 – Bổ tâm đan: nhân sâm 10g (hoặc đảng sâm 20g), huyền sâm 16g, đan sâm 12g, bạch phục linh 16g, ngũ vị 16g, viễn chí 10g, cát cánh 10g, đương quy 16g, thiên môn 16g, mạch đông 16g, bá tử nhân 12g, toan táo nhân 12g, sinh địa 20g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Trị suy nhược thần kinh, ngủ kém, tim hồi hộp hay quên hoặc mộng tinh, đạo hãn, mất ngủ nhiều, tim hồi hộp.
Bài 2– Lục vị địa hoàng hoàn: hoài sơn 16g, trạch tả 12g, đan bì 12g, sơn thù nhục 16g, bạch linh 12g, thục địa 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Trị chứng can thận âm hư, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, đầu váng mắt hoa, hư hỏa bốc gây cốt chưng triều nhiệt, tiêu khát, miệng khô đại tiện táo…
Nếu thiên về tâm hỏa quá thịnh làm thận thủy quá suy: tâm hỏa quá thịnh dẫn đến trên nhiệt dưới hư hàn nên gây phiền khát, miệng lở loét, tiểu vàng mặt đỏ, đại tiện khô táo… Phép điều trị là thanh tâm tả hỏa, tư bổ thận âm. Dùng bài thuốc Hoàng liên a giao thang: hoàng liên 16g, kê tử hoàng 2 quả, hoàng cầm 8g, thược dược 8g, a giao 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Trị âm hư hỏa vượng, tâm phiền mất ngủ.
Sa sút trí tuệ do tâm tỳ suy hư
Tỳ hư không lấy gì để hóa sinh huyết làm huyết hư, tâm không đủ huyết để dưỡng tâm hỏa đã bất túc lại không sưởi ấm được tỳ vị để hóa sinh dẫn tâm tỳ đều hư. Bệnh nhân có sắc mặt bạc nhược, hồi hộp hay quên, đoản hơi, tinh thần khiếp nhược, mệt mỏi, kém ăn, kém ngủ, lưỡi nhợt, mạch nhược. Phép điều trị là bổ dưỡng tâm tỳ. Dùng bài Quy tỳ thang: nhân sâm 3g (hoặc đảng sâm 12g), viễn chí 6g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 12g, mộc hương 4g, sinh khương 3 lát, phục linh 12g, đương quy 10g, long nhãn 12g, táo nhân 10g, cam thảo 4g, đại táo 3 quả. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Trị tâm tỳ lưỡng hư, khí huyết suy tổn, ăn kém người mệt mỏi, sắc vàng nhợt, mất ngủ, hồi hộp, phụ nữ kinh nguyệt sớm, sắc kinh nhạt, lượng nhiều hay kéo dài…
Sa sút trí tuệ do đàm trọc huyết ứ
Do dàm trọc quấy tâm tình chí không thỏa mái, can khí uất kết, tỳ không kiện vận, thủy thấp không được hóa, ứ trọc nội sinh nghịch lên quấy tâm. Hay do khí trệ dẫn đến huyết ứ, khí huyết không thông, tâm không được dưỡng đầy đủ hay ứ nghẽn, ủng tắc dẫn đến thần thức bị quấy rối nên hay quên. Biểu hiện hoa mắt chóng mặt, hung cách bí tắc, đau đầu nôn mửa, xuyễn thở, nằm ngồi không yên. Phép điều trị là hóa đàm ninh tâm. Dùng bài Đạo đàm thang: bán hạ chế 12g, trần bì 8g, chỉ thực 8g, phục linh 12g, nam tinh 10g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Trị đầu váng mắt hoa, buồn nôn ăn kém, không muốn ăn, đờm dãi nhiều, hung cách bí tắc, ho ra đờm nhiều…
Nếu đàm uất lâu hóa nhiệt, hay tình chí bị kích thích (vui, giận dữ, lo lắng, bi quan, hoảng sợ) hóa hỏa làm đầu choáng váng, mặt đỏ, họng khô, thở gấp, ho khạc đờm vàng, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác, tâm phiền mất ngủ, miệng đắng… Phép điều trị là thanh nhiệt hóa đàm. Dùng bài Hoàng liên ôn đởm thang: hoàng liên 8g, trúc nhự 8g, phục linh 12g, chỉ thực 10g, bán hạ chế 12g, trần bì 8g, sinh khương 6g, cam thảo 4. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Trị chóng mặt, mất ngủ, tâm phiền, miệng đắng do đàm nhiệt quấy rối ở trong