Huyệt Thượng Cự Hư

THƯỢNG CỰ HƯ

Tên Huyệt:

  • Huyệt ở xương ống chân, nơi có chỗ trũng (hư) lớn (cự), vì vậy gọi là huyệt Thượng Cự Hư để so sánh với Hạ Cự Hư (Trung Y Cương Mục).
  • Tên Khác: Cự Hư Thượng Liêm, Túc Chi Thượng Liêm.

Xuất Xứ:

Thiên Kim Dực.

Đặc Tính:

  • Huyệt thứ 37 của kinh Vị.
  • Huyệt Hợp ở dưới của Đại Trường.
  • Châm trong các bệnh về Đại Trường (Thiên ‘Tà Khí Tạng Phủ Bệnh Hình’ (LKhu. 4).

Vị Trí:

vị trí huyệt Thượng Cự Hư
  • Dưới mắt gối ngoài (Độc Tỵ) 6 thốn, phía ngoài xương mác 1 khoát ngón tay, dưới huyệt Túc Tam Lý (Vi.36) 3 thốn.

Giải Phẫu:

  • Dưới da là bờ ngoài cơ cẳng thân trước, bờ trong cơ duỗi chung các ngón chân, khe giữa xương chầy và xương mác.
  • Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chầy trước.
  • Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.

Tác Dụng:

  • Lý trường, hòa Vị, thanh thấp nhiệt, tiêu trệ, điều khí.

Chủ Trị:

  • Trị bụng đau, tiêu chảy, ruột thừa viêm, liệt chi dưới.

Châm Cứu:

châm cứu huyệt Thượng Cự Hư
  • Châm thẳng 1 – 1, 5 thốn, Cứu 3 – 7 tráng, Ôn cứu 5 – 15 phút.

Ghi Chú: Trong bệnh ruột dư viêm, có điểm đau tương ứng ở vùng huyệt Thượng Cự Hư, ruột dư hết đau thì điểm đau này cũng hết (Châm Cứu Học Từ Điển).

Tham Khảo:

  • “Thiên ‘Tà Khí Tạng Phủ Bệnh Hình’ ghi: “Mùa đông trúng cảm hàn khí bị tiêu chảy, đau ngay rốn, không thể đứng lâu được, cùng 1 chứng hậu với Vị, nên châm huyệt Cự Hư Thượng Liêm [Thượng Cự Hư ]“(LKhu 4, 109).
  • Thiên ‘Hải Luận’ ghi: “Thượng Cự Hư hợp với Đại Trữ và Hạ Cự Hư làm thành ‘Biển của 12 kinh – Thập nhị kinh chi Hải’ (LKhu 33, 11).
  • “Thiên ‘Thủy Nhiệt Huyệt Luận’ ghi: “Cự Hư Hạ Liêm, Cự Hư Thượng Liêm, Khí Nhai [Khí Xung], [Túc] Tam Lý để tả nhiệt ở Vị” (TVấn 61, 19).