Nội dung bài viết
1. Định nghĩa:
Hội chứng cổ vai tay, còn gọi là hội chứng vai cánh tay hay bệnh lý rễ tủy cổ là một nhóm các triệu chứng lâm sàng liên quan đến các bệnh lý cột sống cổ có kèm theo các rối loạn chức năng rễ, dây thần kinh cột sống cổ và/hoặc tủy cổ, không liên quan tới bệnh lý viêm.
2. Biểu hiện lâm sàng Hội chứng cổ vai tay:
Hội chứng cột sống cổ:
+ Đau vùng cổ gáy, có thể khởi phát cấp tính sau chấn thương, sau động tác vận động cổ quá mức, hoặc tự nhiên như sau khi ngủ dậy. Đau cũng có thể xuất hiện từ từ, âm ỉ, mạn tính.
+ Hạn chế vận động cột sống cổ, có thể kèm theo dấu hiệu vẹo cổ, hay gặp trong đau cột sống cổ cấp tính
+ Điểm đau cột sống cổ khi ấn vào các gai sau, cạnh cột sống cổ tương ứng các rễ thần kinh.

Hội chứng rễ thần kinh:
+ Đau vùng gáy lan lên vùng chẩm và xuống vai hoặc cánh tay, bàn tay, biểu hiện lâm sàng là hội chứng vai gáy, hoặc hội chứng vai cánh tay. Đau thường tăng lên khi xoay đầu hoặc gập cổ về phía bên đau.
+ Rối loạn vận động, cảm giác kiểu rễ: Yếu cơ và rối loạn cảm giác như rát bỏng, kiến bò, tê bì ở vùng vai, cánh tay, hoặc ở bàn tay và các ngón tay.
Hội chứng tủy cổ:
+ Do lồi hoặc thoát vị đĩa đệm gây chèn ép tuỷ cổ tiến triển trong một thời gian dài.
+ Biểu hiện sớm là dấu hiệu tê bì và mất khéo léo hai bàn tay, teo cơ hai tay, đi lại khó khăn, nhanh mỏi. Giai đoạn muộn tùy vị trí tổn thương có thể thấy liệt trung ương tứ chi; liệt ngoại vi hai tay và liệt trung ương hai chân; rối loạn phản xạ đại tiểu tiện.
Các triệu chứng khác:
+ Hội chứng động mạch sống nền: Đau đầu vùng chẩm, chóng mặt, ù tai, mờ mắt, đôi khi có giảm thị lực thoáng qua, mất thăng bằng, mệt mỏi.
+ Có thể có các rối loạn thần kinh thực vật: Đau kèm theo ù tai, rối loạn thị lực, rối loạn vận mạch vùng chẩm vai hoặc tay.
+ Khi có các triệu chứng toàn thân như sốt, rét run, vã mồ hôi vào ban đêm, sụt cân,… cần phải đặc biệt lưu ý loại trừ bệnh lý ác tính, nhiễm trùng.
3. Nguyên nhân gây ra Hội chứng cổ vai tay:
– Do thoái hóa cột sống cổ ( 70-80%): thoái hóa các khớp liên đốt và liên mỏm bên làm hẹp lỗ tiếp hợp, hậu quả là gây chèn ép rễ/dây thần kinh cột sống cổ tại các lỗ tiếp hợp.
– Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ (20-25%): đơn thuần hoặc phối hợp với thoái hóa cột sống cổ.
– Nguyên nhân ít gặp khác: gồm chấn thương, khối u, nhiễm trùng, loãng xương, bệnh lý viêm cột sống, bệnh lý phần mềm cạnh cột sống.

4. Các phương pháp phòng bệnh Hội chứng cổ vai tay:
Có thể bạn chưa biết:
Đầu người nặng trung bình khoảng 4,5kg. Nhưng khi bạn cúi đầu về phía trước, lực tác động của đầu lên cột sống bắt đầu tăng lên. Nếu bạn cúi một góc 15 độ, lực tác động là khoảng 12kg, ở 30 độ đó là 18kg, ở 45 độ đó là 22kg và ở 60 độ nó là 27kg. Vậy thử hỏi bao lâu thì cột sống của bạn sẽ bị phá hủy?
Các phương pháp dưới đây có thể giúp bạn phòng bệnh Hội chứng cổ vai tay:
- Để phòng ngừa các bệnh lý về cột sống cổ, những người có nguy cơ cao như: tuổi trung niên, người lao động ở tư thế cúi gập, khuân vác,.. cần chú ý khi ngồi hay đứng đều phải đúng tư thế.
- Cần chú ý không làm việc ở tư thế quá lâu, đặc biệt với máy vi tính, cứ mỗi 30 phút nên dừng lại để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay.
- Cần giữ cổ luôn thẳng, không cúi gập cổ quá lâu.
- Không nằm gối đầu cao dễ làm sai tư thế của cột sống cổ, khi ngủ chỉ gối đầu cao khoảng 10cm.
- Khi xem tivi nên tựa lưng vào đệm, đầu hơi ngửa ra sau thành ghế, cổ tựa vào một điểm phù hợp với độ cong sinh lý của cổ.
- Khi bị đau vai, gáy nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động ít ngày, bổ sung một số khoáng chất cho cơ thể như canxi, kali và các vitamin C, B, E, xoa bóp giúp giãn cơ chỗ đau, tăng cường máu đến cơ bắp.
- Nếu tình trạng đau mỏi cổ gáy kéo dài kèm theo các triệu chứng như đau, tê lan xuống tay, hoa mắt chóng mặt, đau đầu. Thì đó là lúc bạn cần đến gặp bác sỹ để khám, tư vấn và điều trị.

5. Y học hiện đại điều trị hội chứng cổ vai tay như thế nào?
Chủ yếu là điều trị triệu chứng:
– Thuốc giảm đau: Tùy mức độ đau, có thể dùng đơn thuần hoặc phối hợp các nhóm thuốc:
+ Thuốc giảm đau thông thường: Paracetamol
+ Thuốc giảm đau dạng phối hợp: Paracetamol kết hợp với một opiad nhẹ như codein hoặc tramadol
+ Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): tác dụng phụ lên dạ dày nhiều khiến hầu hết bệnh nhân có biểu hiện viêm dạ dày khi dùng kéo dài.
– Thuốc giãn cơ:
Thường dùng trong đợt đau cấp, đặc biệt khi có tình trạng co cứng cơ, hiện nay cũng ít được kê do tác dụng phụ lên tim mạch.
– Các thuốc khác:
+ Thuốc giảm đau thần kinh
+ Thuốc chống trầm cảm ba vòng
+ Vitamin nhóm B, tăng dẫn truyền thần kinh
+ Corticoid: trường hợp có biểu hiện chèn ép rễ nặng và có tính chất cấp tính mà các thuốc khác ít hiệu quả, dùng đợt ngắn để tránh tác dụng phụ toàn thân.

– Điều trị ngoại khoa:
Chỉ định: Đau nhiều song điều trị nội khoa ít có kết quả, có tổn thương thần kinh nặng và tiến triển, có chèn ép tủy cổ đáng kể.
6. Hội chứng cổ vai tay trong quan điểm đông y:
Trong đông y Hội chứng cổ vai tay được gọi với bệnh danh Kiên Thống, Kiên Tý, Hạng Kiên Thống,….và dựa theo nguyên nhân mà chia bệnh thành 3 thể hay gặp:
1.Do phong hàn:
Đầu, gáy, vai và lưng trên đau, gáy cứng.
Có nhiều điểm đau ở cổ, có cảm giác như nhịp đập ở cổ.
Cử động khó khăn, tay chân tê, đau, mỏi, chi trên có cảm giác nặng, không có sức.
Thích ấm, sợ lạnh.
Lưỡi mỏng, trắng nhạt, mạch Phù, Hoãn hoặc Khẩn
2.Khí trệ huyết ứ:
Đầu, gáy, vai, vai lưng đau, tê, đau ê ẩm.
Đau vùng nhất định, ban ngày đỡ, ban đêm đau nhiều hơn, ấn vào đau.
Chân tay tê mỏi, co rút (đêm bị nhiều hơn ngày)
Miệng khô, lưỡi đỏ tím hoặc có điểm ứ huyết, mạch Sáp, Huyền
3.Can thận âm hư:
Gáy, vai, lưng đau, có khi đau lan lên đầu.
Tay chân tê, mất cảm giác.
Thắt lưng đau, đầu gối mỏi.
Chóng mặt, hoa mắt, gò má đỏ, mồ hôi trộm.
Họng khô, lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng, mạch Tế, Sác.

4. Điều trị Hội chứng cổ vai tay bằng Y học cổ truyền:
Khi điều trị Hội chứng cổ vai tay các bác sỹ có thể kết hợp nhiều phương pháp và tùy từng thể bệnh, tùy người bệnh để lựa chọn:
Châm cứu các huyệt vùng cổ vai và cánh tay: có tác dụng thông kinh lạc, bồi bổ chính khí, đuổi phong hàn thấp nhiệt tà, giảm đau, tăng tầm vận động.
Xoa bóp bấm huyệt: Giảm đau mỏi, thư giãn làm mềm gân cơ, thông kinh lạc, nhẹ đi tình trạng thoái hóa.
Dùng thuốc: Thường dùng bài thuốc, các vị thuốc có tác dụng bổ can thận, khu phong tán hàn trừ thấp,thông kinh hoạt lạc.
Chườm ngải thuốc: kết hợp tác dụng của các vị thuốc đông y và tác dụng nhiệt để phát tán phong hàn thấp, đồng thời thư cân giãn cơ, giảm đau.
Thủy châm: dùng thuốc đưa vào huyệt để tăng dẫn truyền thần kinh,chống viêm giảm đau.
Cấy chỉ : tác dụng như châm cứu,nhưng kéo dài hơn.