Chanh

quả chanh

Tên gọi

  • Tên khác: chanh ta, chanh lá vàng, chanh giấy, chanh đảo…
  • Tên khoa học: Citrus aurantifolia
  • Họ: thuộc họ Cam (danh pháp khoa học: Rutaceae)

Cây chanh

Mô tả cây thuốc

cây chanh

Chanh là loại cây bụi nhỏ, thân gỗ mang nhiều gai. Gai ở cành thẳng, dài 1cm, còn gai ở thân dài 2-3cm. Cây thường không quá cao, chỉ tầm 1 – 3m, có những cây lâu năm có thể cao tới 5m. Thân cây ít khi mọc thẳng mà thường có nhánh mọc ra từ gần gốc.

Lá chanh màu xanh đậm, dày, cứng với nhiều mép lá hình răng cưa, hình trứng thuôn nhọn ở hai đầu. Kích thước lá dài 4-6cm, rộng 3-4cm, có nhiều tuyến nhỏ. Cuống lá có đốt, dài 1cm, có cánh hẹp. Lá chanh khi vò ra có mùi thơm đặc trưng.

Hoa chanh màu trắng hoặc hơi ngả vàng xanh, đôi chỗ pha màu tím nhạt. Hoa có 5 cánh nhỏ xinh, có thể mọc đơn lẻ ở nách lá hoặc tạo chùm 2-3 bông. Lá bắc hình mũi mác, nhẵn hay hơi có lông. Hoa Chanh có mùi rất thơm.

Quả hình cầu tròn trịa, đường kính 3 – 6cm. Khi còn non có màu xanh đậm, khi chín chuyển vàng. Vỏ quả bóng, mỏng dính vào múi. Quả Chanh chia thành 10-12 múi, mỗi múi chứa tầm 3- 5 hạt. Cơm quả chứa nhiều nước, vị rất chua với hàm lượng axit cao cùng vị thơm nồng dễ chịu. Quả chanh rộ vào tháng 5-9, quả chín sau 5-6 tháng khi hoa nở.

quả chanh

Phân bố

Chanh có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Quá trình trao đổi hàng hóa của các thương nhân đã mang loại quả này tới Trung Đông, Bắc Phi rồi đến Địa Trung Hải. Tiếp đến, nó theo chân người Tây Ban Nha đi đến Tây Ấn Độ. Rồi từ nơi này đến Bắc Mỹ và Trung Mỹ.

Ở nước ta, cây này được trồng khắp nơi. Một số tài liệu cho rằng từ năm 1956, nước ta bắt đầu xuất khẩu quả của loại của nó.

Bộ phận dùng

Lá, quả, vỏ và rễ của cây chanh.

Thu hái

Các bộ phận có thể thu hái quanh năm. Rễ thường thu hái ở những cây chanh trưởng thành

Bào chế

Dược liệu sau khi thu hái về nên đem rửa sạch sẽ, có thể dùng tươi hay khô. Lá và quả thường được sử dụng luôn, còn rễ có thể phơi khô để dùng.

Bảo quản

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát nếu dùng tươi. Sắc lát ra phơi dưới ánh nắng mặt trời hoặc sấy bằng dụng cụ chuyên nghiệp nếu dùng khô.

Thành phần hóa học

Chanh
  • Vỏ: Lớp vỏ xanh chứa khoảng 0,5ml tinh dầu. Tinh dầu này có màu vàng nhạt, gồm d. limonene, một ít α pinen, β phellandrene, camphen và γ terpinen. Đây là những hoạt chất tecpen (dùng để sản xuất tinh dầu). Trung bình cho 1 lít tinh dầu cần từ 3.000 đến 6.000 quả.
  • Dịch quả: Nước chiếm hơn 80% thành phần trong dịch quả. Còn lại là axit citric 5-10%; 1-2% citric axit canxi và kali; xitrat etyl và 0,4-0,5% axit malic. Ngoài ra còn 0,4-0,75% đường interverti, 0,5% sacarosa và 0,75-1% profit. Trong 100g dịch chanh tươi chứa khoảng 65mg vitamin C, vitamin B1 và riboflavin.
  • Lá: Chứa tinh dầu. Trong tinh dầu này có một dẫn xuất của prolin – chất stachydrine.

Tác dụng dược lý

Một số nghiên cứu hiện đại cho thấy:

  • Chanh có chức năng giải độc, bảo vệ thành mạch, tăng cường hệ miễn dịch và hạn chế tác hại của những gốc tự do để làm chậm sự lão hóa do chanh rất giàu vitamin C và những chất chống oxy hóa thuộc nhóm flavonoid.
  • Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, chanh có thể làm gia tăng 19% lượng máu lưu thông trong hệ thống các tĩnh mạch, mao mạch và làm giảm nguy cơ đông máu.
  • Các nhà khoa học thuộc trường đại học Melbourne ở Úc cho biết dịch chiết từ quả chanh có thể giúp phụ nữ tránh thai qua tác dụng làm tê liệt hoạt động của tinh trùng.

Chanh chữa bệnh

Tính vị, quy kinh

  • Tính vị

Nước chanh có vị chua, tính mát

Lá, rễ, vỏ chanh vị the, đắng, có mùi thơm, tính bình.

  • Quy kinh: quy vào các kinh Phế và Vị

Tác dụng

  • Lá chanh có tác dụng giải nhiệt, thông can khí, tiêu thũng, tán độc và hoạt huyết, khỏi ho, tiêu thực
  • Quả có tác dụng thanh nhiệt, khỏi nôn, tiêu thực, sát trùng, sáng mắt.

Chủ trị

  • Nước chanh: Có tác dụng thông tiểu, chữa bệnh tê thấp và bệnh thiếu hụt vitamin C (scorbut). Bên cạnh đó, dùng dịch quả khi gội đầu có tác dụng tẩy tế bào chết, làm trơn tóc và trị gàu. Ngoài ra, đây còn là nguyên liệu tạo axit citric. Hạt của quả có thể dùng làm thuốc tẩy giun
  • Tinh dầu vỏ chanh: Pha thuốc gội đầu.
  • Lá: Chữa cảm khi xông hơi hoặc chữa chướng bụng khi đắp lên rốn.
  • Rễ và vỏ: Chữa ho và tốt cho tiêu hóa dưới dạng thuốc sắc.

Bài thuốc

  • Chanh giúp giảm cân
Chanh hỗ trợ giảm cân hiểu quả

Cách thức là trộn 2 muỗng nước cốt chanh với 2 muỗng cafe mật ong và 1 ly nước lọc. Bạn có thể uống mỗi ngày uống 1 ly hỗn hợp này trước khi bắt đầu ngày mới. Hoạt chất pectin trong quả này có thể giúp bạn ăn ít nhưng không thấy đói hoặc thèm ăn. Ngoài ra, hoạt chất cũng làm chậm tốc độ hấp thu đường trong cơ thể, qua đó, ngăn ngừa được tình trạng lượng đường tăng đột biến.

Nếu muốn tập trung vào mục tiêu giảm cân, ngoài việc uống 1 ly nước cốt chanh và mật ong vào buổi sáng, bạn có thể pha thêm 2-3 quả vào nửa lít nước và uống cả ngày. Việc này sẽ giúp bạn giảm được cơn thèm ăn

  • Chữa đau lưng do bị nhiễm phong, hàn, thấp

Sử dụng Rễ chanh 12g, Rễ nhàu 12g, Rễ đinh lăng 12g, Rễ cỏ xước 12g, Lá ngũ trảo 8g, Quế chi 4g. Tất cả đem sắc uống.

  • Bài thuốc xông chữa cảm cúm, nhức đầu

Sử dụng Lá chanh, Lá bưởi, Lá tre, Cúc tần, Hương nhu mỗi thứ 50g, Bạc hà 20g, Sả 2 củ, Tỏi 3 nhánh. Tất cả dùng tươi cho vào nồi nấu nước sôi, rồi xông cho đổ mồ hôi.

  • Chữa sốt cao ở trẻ em

Dùng vỏ quả chanh giã nhỏ, gói vào vải sạch, xoa miết khắp người như kiểu đánh gió. Kết hợp uống nhiều  nước chanh.

  • Chữa ho lâu ngày, ho gà, mất tiếng: Dùng một trong số bài thuốc sau:

Bài thuốc 1: Dùng rễ chanh 10g, vỏ rễ dâu hoặc tầm gửi cây dâu 10g, lá trắc bá 8g, thái nhỏ, sao vàng, sắc với 200ml nước, còn 50ml, uống trong ngày.

Bài thuốc 2: Dùng rễ chanh 12g, lá chua me đất hoa vàng 10g, lá hẹ 8g, lá xương sông 8g, hạt mướp đắng 5g, phèn phi 2g. Sắc uống (có thể thêm đường cho dễ uống).

Bài thuốc 3: Dùng hạt chanh 10g, hạt quất 10g, lá thạch xương bồ 10g, mật gà đen 1 cái, dùng tươi, giã nhỏ, thêm đường, hấp cơm, uống làm 2-3 lần trong ngày.

Bài thuốc 4: Dùng hạt chanh 10g, hoa đu đủ đực 15g, lá hẹ 15g. Các dược liệu cho vào máy xay sinh tố nghiền nát với 200ml nước, thêm mật ong hoặc đường kính, chia uống trong ngày.

Bài thuốc 5: Dùng lá chanh 4g, lá táo 4g, rễ cỏ gà 4g, vỏ quýt 1g. Sắc uống.

  • Chữa đau răng, sâu răng

Sử dụng rễ chanh 12g, rễ cây cà dại 10g, vỏ cây lai 10g, vỏ cây trám 10g. Sắc lấy nước đặc, ngậm trong 5 – 10 phút rồi nhổ bỏ.

  • Chữa hắc lào, lở chốc

Lấy nước chanh 1 thìa cà phê hòa với bột long não 1g, rễ cây hoa bạch xà giã nhỏ bôi vào vết thương.

  • Trị mụn có mủ

Dùng lá chanh, lá gai tầm xọng hoặc lá bưởi bung, tinh tre, phơi khô tán bột, rây mịn, rắc hàng ngày.

  • Chữa ngộ độc

Dùng hạt chanh 10g, gừng tươi 3 lát, phèn chua 1g. Tất cả giã nhỏ, thêm nước, gạn uống làm 1 lần.

  • Chữa rắn cắn

Sử dụng rễ chanh 8g, hạt chanh 4g, gừng 2g, phèn chua 2g, giã nhỏ, thêm 100ml nước sôi để nguội, lọc kỹ, chia 2 lần. Mỗi lần uống cách nhau 2 giờ.