Nội dung bài viết
- 1 Tiền liệt tuyến là gì ?
- 2 NGUYÊN NHÂN
- 3 ĐIỀU TRỊ
- 3.1 ĐIỀU TRỊ: Thanh nhiệt hoá thấp, thông lợi bàng quang.
- 3.2 ĐIỀU TRỊ: Thanh nhiệt tiết Phế, lợi thuỷ khai bế.
- 3.3 ĐIỀU TRỊ: Sơ lợi khí cơ, thông lợi tiểu tiện.
- 3.4 ĐIỀU TRỊ: Phá ứ tán kết, thông lợi thuỷ đạo.
- 3.5 ĐIỀU TRỊ: Bổ trung ích khí, thăng thanh giáng trọc, hoá khí lợi thuỷ.
- 3.6 ĐIỀU TRỊ: Ôn dương bổ Thận, ích khí cố nhiếp, lợi niệu tán kết.
- 3.7 ĐIỀU TRỊ: Tư Thận ích âm, thanh lợi bàng quang.
- 3.8 Ngoại Khoa
- 3.9 Châm Cứu
Tiền liệt tuyến là gì ?
Tiền liệt tuyến là một tuyến của bộ sinh dục nam, nằm ngay dưới cổ bàng quang và bao quanh niệu đạo, ống dẫn tiểu. Tiền liệt tuyến nặng từ 15 – 20g, chỉ phát triển thật sự từ lúc dậy thì cho đến 25 tuổi. Từ 25 – 40 tuổi, Tiền liệt tuyến không thay đổi nữa nhưng quá 40 tuổi, Tiền liệt tuyến có thể lớn dần và có thể gây rối loạn nơi hệ tiết niệu. Tuổi 50 thường hay bị chứng phì đại Tiền liệt tuyến. Là một dạng u lành. Có đến 90% các cụ 80 tuổi đều bị phì đại Tiền liệt tuyến nhưng chỉ có 30-40% cụ có rối loạn về tiểu tiện, còn đa số không có rối loạn đáng kể.
Đông y xếp vào loại Long Bế. Thiên Tuyên Minh Ngũ Khí Luận (Tố Vấn 23) viết: “Bàng quang bất lợi thì sẽ bị chứng lung, không ức chế được đường tiểu”. Thiên Tiêu Bản Bệnh Truyền Luận (Tố Vấn 65) viết: “Bàng quang bị bệnh thì tiểu bí”. Thiên Bản Du (Linh Khu 2) viết: “Tam tiêu… mà thực thì bị chứng lung bế [bí tiểu], hư thì bị chứng tiểu nhiều”. Các nhà y học trước đây theo Nội Kinh cho rằng chứng long bế là chứng thuộc về bàng quang và tam tiêu. Đến đời nhà Minh, Lâu Anh trong Y Học Cương Mục và Trương Cảnh Nhạc trong Cảnh Nhạc Toàn Thư – Lung Bế cũng đều cho rằng nước tiểu ít, không thông, gọi là Lung bế. Giống với trạng thái khó tiểu của người bị phì đại tiền liệt tuyến.

NGUYÊN NHÂN
Việc bài tiết nước tiểu có liên quan đến sự khí hoá của Tam tiêu và thuỷ đạo ở bàng quang thông lợi. Sự khí hoá của Tam tiêu liên hệ với dương khí của Phế, Tỳ và Thận. Thiên Linh Lan Bí Điển (Tố Vấn 8) viết: “Tam tiêu là cơ quan quyết độc, thuỷ đạo từ đó mà sinh ra”. Vương Băng chú rằng ‘Tam tiêu chủ về khí, khí co hoá thì thuỷ đạo mới lưu thông, vì vậy gọi là quyết độc, quyết là khơi cho chảy, độc là đường nước chảy”.
Thượng tiêu có tạng Phế là thượng nguồn của nước, chảy xuống thận. Nếu Phế khí làm tốt chức năng đưa nước xuống thì thuỷ đạo thông điều, thuỷ dịch chuyển xuống Bàng quang. Ở trung tiêu có tạng Tỳ là nguồn vận hoá thuỷ dịch, nếu Tỳ khí vận chuyển tốt thì thanh khí sẽ được thăng còn trọc niệu thì giáng xuống. Ở hạ tiêu có tạng Thận chủ về thuỷ dịch ở đường tiêu tiểu, có quan hệ biểu lý với Bàng quang.
Nếu Thận khí đầy đủ dương có thể hoá được âm, thuỷ có thể hoá thành khí. Can chủ sơ tiết, điều sướng khí toàn thân, Can khí điều hoà, khí huyết vận hành thông sướng thì Tam tiêu chuyển khí hoá đến các tạng phủ. Nếu Thận kinh có hàn tà hoặc thử nhiệt, ôn táo ở Phế hoặc lao nhọc quá độ hoặc ăn uống thất thường, ăn quá nhiều những thức ăn béo, ngọt, cay nóng… hoặc ham mê tửu sắc quá độ… khiến cho sự khí hoá của Tam tiêu bị rối loạn , thuỷ đạo của bàng quang bị ngăn trở gây nên bệnh.
Thận Nguyên Suy Tổn: do sắc dục quá độ làm cho thận tinh bị hao tổn hoặc người lớn tuổi cơ thể suy yếu, hoặc bệnh lâu ngày làm cho cơ thể suy nhược, chân dương không đủ, mệnh môn hoả suy khiến cho sự khí hoá của bàng quang bị mất đi, các cơ của bàng quang suy yếu hoặc do hạ tiêu tích nhiệt, lâu ngày không khỏi khiến cho tinh suy, dịch hao, thận âm bất túc, thận thuỷ khô kiệt, khí bị mất, dịch bị hao, không khí hoá được, gây nên bệnh.
Trung Khí Bất Túc: Lao nhọc quá độ hoặc ăn uống không điều độ làm cho Tỳ bị hư, khí bị hãm, bàng quang mất chức năng chế ước , thanh khí không thăng lên được, trọc khí không giáng xuống, không khí hoá được, mất chức năng chuyển vận nước gây nên.
Phế Mất Chức Năng Trị Tiết: Thử, nhiệt, thấp, táo xâm nhập vào Phế, Phế khí bị ủng trệ, không làm thông được thuỷ đạo, thuỷ dịch không chuyển xuống được bàng quang gây nên bệnh.
Can Uất Khí Trệ: Do tình chí nội thương, tức giận… làm hại Can, Can khí uất kết không sơ tiết được, làm cho sự khí hoá của Tam tiêu bị rối loạn, khí kết, huyết ngưng, ngăn trở ở lạc của Can, lạc của Can liên hệ với bộ phận sinh dục, làm cho thuỷ đạo bị ngưng trệ không thông gây nên bệnh.
Bàng Quang Có Thấp Nhiệt: Thấp nhiệt két tụ, rót xuống bàng quang, sự khí hoá của bàng quang bị trở ngại, thuỷ đạo sáp trệ gây nên bệnh.
Bàng Quang Bị Ứ Trở: Sự khí hoá của bàng quang bị rối loạn lâu ngày khí huyết bị kết lại ở bàng quang, hoặc hàn tà xâm nhập vào hạ tiêu, lưu lại ở kinh Thận khiến cho khí kết, huyết ngưng, làm bế tắc thuỷ đạo hoặc do những chất tinh dơ bẩn hoặc những chất dịch trọc ngưng kết lại không tan đi được gây nên bế tắc thuỷ đạo khiến cho nước tiểu không bài tiết ra được.
ĐIỀU TRỊ
Trên lâm sàng thường gặp các loại sau:
Thấp Nhiệt Hạ Chú, Bàng Quang Trệ Sáp: Tiểu dính không thông, tiểu nhiều lần mà buốt, đau, nước tiểu đỏ, nóng, đục, bụng dưới chướng đau, miệng đắng, dính, bệu, khát mà không muốn uống, táo bón, hoặc có thể bị sốt, sợ lạnh, lưỡi đỏ sẫm, rêu lưỡi vàng bệu, mạch Hoạt Sác hoặc Huyền Sác
ĐIỀU TRỊ: Thanh nhiệt hoá thấp, thông lợi bàng quang.
Dùng bài Bát Chính Tán gia giảm: Mộc thông, Xa tiền tử, Biển súc, Cù mạch, Sơn chi tử, Hoạt thạch, Cam thảo, Đại hoàng, Hoàng bá, Phượng vĩ thảo, Ngưu tất, Trạch tả, Bại tương thảo, Bồ công anh, Đương quy, Sinh địa. Mộc thông, Xa tiền tử, Biển súc, Cù mạch, Trạch tả thông bế, lợi tiểu, làm cho tà nhiệt theo đường tiểu tiết ra ngoài; Sơn chi, Hoàng bá, Phượng vĩ thảo, Bại tương thảo, Bồ công anh thanh thấp nhiệt ở hạ tiêu; Hoạt thạch, Cam thảo lợi thấp ở hạ tiêu; Đại hoàng thông tiện, tả hoả; Đương quy, Sinh địa dưỡng huyết ích âm, làm cho tà bị trục đi mà không tổn thương đến chính khí; Ngưu tất hoạt huyết tán kết, dẫn thuốc đi xuống chỗ bệnh.
Phế nhiệt Ủng Thịnh, Thuỷ Đạo Bất Lợi: Tiểu nhỏ giọt, không thông, họng khô, phiền táo, muốn uống, hơi thở ngắn, ho đờm dính hoặc ho suyễn không yên, rêu lưỡi hơi vàng, mạch Sác.
ĐIỀU TRỊ: Thanh nhiệt tiết Phế, lợi thuỷ khai bế.
Dùng bài Hoàng Cầm Thanh Phế Ẩm gia giảm: Hoàng cầm, Tang bạch bì, Mạch môn, Xa tiền tử, Mộc thông, Phục linh, Sơn chi tử, Trúc diệp, Hoàng bá, Ngư tinh thảo, Ý dĩ nhân, Nguyên sâm, Bạch mao căn, Đại hoàng, Hạnh nhân, Cát cánh. Hoàng cầm, Tang bạch bì, Mạch môn, Ngư tinh thảo, Nguyên sâm thanh Phế nhiệt kèm ích Phế âm; Ý dĩ nhân, Hạnh nhân, Cát cánh tuyên Phế, lợi đờm, tán kết; Chi tử, Hoàng bá, Mao căn, thanh lợi thấp nhiệt; Đại hoàng tả hoả, thông tiện, khai bế; Xa tiền tử, Mộc thông, Phục linh, Trúc diệp lợi thuỷ, thanh nhiệt, thông lợi thuỷ đạo.
Can Khí Không Sơ Tiết: Tiểu không thông, hông sườn chướng đau, tình chí u uất, hay thở dài, hay tức giận, miệng đắng, họng khô, lưỡi đỏ, rêu lưỡi hơi vàng, mạch Huyền hoặc Huyền Sác.
ĐIỀU TRỊ: Sơ lợi khí cơ, thông lợi tiểu tiện.
Dùng bài Trầm Hương Tán gia giảm: Trầm hương, Thạch vi, Hoạt thạch, Đương quy, Quất bì, Bạch thược, Đông quỳ tử, Vương bất lưu hành, Trạch tả, Xa tiền tử, Sơn chi tử. Trầm hương, Quất bì sơ đạt Can khí, hợp với Đương quy, Bạch thược, Vương bất lưu hành để làm cho khí huyết ở hạ tiêu được lưu thông; Thạch vi, Hoạt thạch, Đông quỳ tử, Trạch tả, Xa tiền tử thông lợi thuỷ đạo; Sơn chi tử thanh hoả bị uất kết.
Bàng Quang Ứ Trở, Thuỷ Đạo Ngưng Tắc: Tiểu ra chất dịch dính hoặc như bột miến, bụng dưới chướng đau, tiểu ra máu hoặc tinh lẫn máu, lưỡi tím, dính hoặc có điểm ứ huyết, mạch Tế Sáp.
ĐIỀU TRỊ: Phá ứ tán kết, thông lợi thuỷ đạo.
Dùng bài Để Đương Thang gia vị: Đại hoàng, Quy vĩ, Sinh địa, Xuyên sơn giáp, mang tiêu, Đào nhân, Hồng hoa, Nhục quế, Ngưu tất, Hoạt thạch, Nha tạo, Ích mẫu thảo, Biển súc, Cù mạch, Vương bất lưu hành. Quy vĩ, Xuyên sơn giáp, Đào nhân, Hồng hoa, Đại hoàng, Mang tiêu, Ích mẫu, Ngưu tất, Vương bất lưu hành để phá ứ, tán kết, hoá kiên; Hoạt thạch, Biển súc, Cù mạch thông lợi thuỷ đạo; Nha tạo công đờm, tán kết; Nhục quế ôn dương thông kinh; Sinh địa ích Thận giúp cho các vị thuốc khứ tà mà không làm tổn thương chính khí.
Trung Khí Hạ Hãm, Bàng Quang Thất Ước: Tiểu không thoải mái, , tiểu xong còn dính, ban đêm thì tiểu nhiều, bụng dưới đầy chướng, tinh thần uể oải, không muốn ăn uống, hơi thở ngắn, nói mau mệt, lưỡi nhạt, bệu, rêu lưỡi trắng, mạch nhược không lực.
ĐIỀU TRỊ: Bổ trung ích khí, thăng thanh giáng trọc, hoá khí lợi thuỷ.
Dùng bài Bổ Trung Ích Khí Thang hợp với Xuân Trạch Thang gia giảm: Nhân sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Cam thảo, Đương quy, Trần bì, Thăng ma, Sài hồ Quế chi, Trư linh, Trạch tả, Phục linh, Tỳ giải, Mộc thông, Biển súc, Hạ khô thảo, Côn bố. Nhân sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Cam thảo kiện Tỳ, ích khí; Trần bì hoà Vị, hoá thấp; Đương quy dưỡng huyết, nhuận táo; Thăng ma, Sài hồ thăng thanh giáng trọc; Quế chi, Trạch tả, Phục linh, Trư linh ôn dương hoá khí, hành thuỷ, lợi niệu; Tỳ giải, Mộc thông, Biển súc phân thanh hoá trọc; Hạ khô thảo, Côn bố nhuyễn kiên, tán kết.
Thận Dương Suy Kiệt: Tiểu không thông, nước tiểu dính, khó tiểu ra hoặc tiểu tự ra không cầm, ban đêm tiểu nhiều hoặc tiểu không tự chủ. Lưng đau, gối mỏi, sợ lạnh, tay chân lạnh, tinh thần suy yếu, sắc mặt trắng không nhuận, liệt dương hoặc di tinh, lưỡi trắng, mạch trầm Tế không lực, mạch bộ xích Nhược.
ĐIỀU TRỊ: Ôn dương bổ Thận, ích khí cố nhiếp, lợi niệu tán kết.
Dùng bài Tế Sinh Thận Khí Hoàn: Thục địa, Sơn dược, Sơn thù, Đơn bì, Phục linh, Trạch tả, Nhục quế, Phụ tử, Ngưu tất, Xa tiền tử. Thục địa, Sơn dược, Sơn thù bổ Thận, tư âm; Nhục quế, Phụ tử trợ dương, giúp cho Thận khí; Đơn bì, Ngưu tất hoà huyết, tán kết; Phục linh, Trạch tả, Xa tiền tử sơ lợi bàng quang, thuỷ đạo. Vì vậy, bài thuốc này có thể ôn bổ thận dương, hoá khí hành thuỷ khiến cho tiểu tiện được thông.
Thận Âm Suy Hao, Thuỷ Dịch Bất Lợi: Tiểu nhiều hoặc tiểu buốt không thông, họng khô, tâm phiền, ngũ tâm phiền nhiệt, lưng đau, gối mỏi, tai ù, táo bón, lưỡi đỏ nhuận, mạch Tế Sác, mạch bộ xích không có lực.
ĐIỀU TRỊ: Tư Thận ích âm, thanh lợi bàng quang.
Dùng bài Tri Bá Địa Hoàng Hoàn hợp với Trư Linh Thang: Thục địa, A giao, Sơn dược, Sơn thù, Phục linh, Trư linh, Trạch tả, Hoạt thạch, Đơn bì, Tri mẫu, Hoàng bá. Thục địa, A giao, Sơn dược, Sơn thù tư bổ Thận âm; Phục linh, Trư linh, Trạch tả, Hoạt thạch, Đơn bì trong tả có bổ để thông lợi tiểu tiện; Tri mẫu, Hoàng bá thanh nhiệt mạnh âm.
Ngoại Khoa
Muối ăn 250g, rang cho nóng lên, bọc vào túi vải, chườm, ngày 2 lần, mỗi lần 10-15 phút (Trung Y Cương Mục).
Tỏi 1 tép, Chi tử 3 trái, Muối ăn một ít. Giã nát, bọc vào vải mỏng (compress), đắp lên vùng bệnh (Trung Y Cương Mục).
Hành củ 500g, giã nát, cho ít Xạ hương vào, chia làm hai phần. Dùng một phần đặt trên lỗ rốn, hơ ấm 15 phút. Lại dùng miếng thứ hai làm như vậy 15 phút (Trung Y Cương Mục).
Châm Cứu
Châm Cứu Học Thượng Hải: Lợi thủy bồi nguyên. Châm Thận Du (Bq.23) + Bàng Quang Du (Bq.28) + Quan Nguyên (Nh.4) + Tam Âm Giao (Ty.6) . Kích thích mạnh vừa, châm mỗi ngày hoặc cách ngày. 10 – 15 lần là 1 liệu trình.
Cấp tính: Khí Hải (Nh.6) + Huyết Hải (Ty.10) + Âm Lăng Tuyền (Ty.9) + Tam Âm Giao (Ty.6) + Thái Khê (Th.3) + Chiếu Hải (Th.6). Kích thích mạnh.
Mạn tính: Trung Cực (Nh.3) + Bá Hội (Đc.20) + Đại Hoành (Ty.15) + Tam Âm Giao (Ty.6) . Kích thích nhẹ. Châm xong rồi cứu + ngày 1 lần (Trung Quốc Châm Cứu Học).
Quy Lai (Vi.29) + Tử Cung (Nh.19) + Quan Nguyên (Nh.4) + Trúc Tân (Th.9) + Tam Âm Giao (Ty.6) . Kích thích vừa mạnh (Thường Dụng Trung Y Liệu Pháp Thủ Sách)
Khúc Cốt (Nh.2) + Khí Xung (Vi.30) + Hội Âm (Nh.1) + Thận Du (Bq.23) + Chí Thất (Bq.52) + Hạ Liêu (Bq.34) + Tam Âm Giao (Ty.6) . Kích thích mạnh (An Huy Trung Y Học Viện Học Báo số 60/1987).
Nhóm 1 : Quan Nguyên (Nh.4) + Trung Cực (Nh.3) + Âm Lăng Tuyền (Ty.9) + Tam Âm Giao (Ty.6) . Nhóm 2 : Chí Âm (Bq.67) + Thận Du (Bq.23) . Châm tả, không lưu kim ( Trung Quốc Châm Cứu Tạp Chí số 19/1987).