Đại cương Ung thư tuyến tiền liệt
Định nghĩa Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tiền liệt tuyến là bệnh thường gặp ở nam giới, hình thành do tế bào tuyến tiền liệt phát triển không bình thường hoặc mất kiểm soát. Thông thường, bệnh phát triển chậm trong giai đoạn đầu, nếu phát hiện và điều trị sớm người bệnh có thể sống được nhiều năm, thậm chí có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu bệnh chuyển biến sang mức độ nặng thì tốc độ phát triển bệnh rất nhanh chóng, thậm chí có thể gây tử vong.

Dịch tễ học
- Ung thư tuyến tiền liệt (UTTTL) là một bệnh hay gặp ở nam giới trên 50 tuổi, gây tử vong đứng hàng thứ 2 sau ung thư phổi. Tại Mỹ, tỷ lệ tử vong vào những năm 70 và 80 là 0,7% đối với đàn ông da trắng, 1,6% đối với đàn ông Mỹ gốc Phi, tỷ lệ này tăng hàng năm khoảng 3,1% tính đến năm 1995. Tại Châu Âu, con số tử vong năm 1994 tại Hà Lan: 33/100.000 người, tại Thuỵ Điển: 28/100.000 người.
- Có sự khác biệt rất lớn về tỷ lệ mắc bệnh ở các dân tộc: cao nhất ở người Mỹ gốc Phi: 250/100.000 người, sau đó là người Mỹ gốc Châu Âu; thấp nhất tại các nước Châu á: 93,8/100.000 người tại Trung Quốc, ở Châu Âu các nước Scandinavian có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.
- Ở Việt Nam, cho đến nay chưa có một nghiên cứu thống kê đầy đủ về tỷ lệ mắc bệnh này. Trong một số nghiên cứu đơn lẻ người ta thấy tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt tình cờ phát hiện được qua xét nghiệm giải phẫu bệnh lý sau mổ mở u phì đại lành tính tuyến tiền liệt (UPĐLTTTL) là 7,2%. Theo số liệu của Nguyễn Anh Tuấn, tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt từ năm 1991-1995 tại Hà Nội: 1,3/100.000 người và tại Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 1995-1996: 2,3/100.000 người.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Ngày nay, người ta vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra UTTLT. Cũng như tất cả các loại ung thư khác, sự sinh sản của những tế bào bị đột biến gen nhiều lần được xem như là nguyên nhân gây ra UTTLT. Sự sinh sản này xảy ra liên tục và không ngừng do các tế bào đột biến không còn chịu sự kiểm soát của cơ thể. Vì thế, bệnh luôn có khuynh hướng lan rộng tại chỗ cũng như lan sang các cơ quan khác (di căn). Tuy nhiên, qua những thống kê dịch tễ học, người ta nhận thấy có một số yếu tố nguy cơ như sau :
- Tuổi càng cao càng dễ bị UTTLT.
- Tiền sử gia đình: nếu trong gia đình đã có người mắc bệnh thì cần chú ý đến những người cao tuổi trong gia đình.
- Những người mà điều kiện làm việc tiếp xúc nhiều với các chất phóng xạ.
- Ăn nhiều thịt, mỡ động vật: vì thịt động vật nấu ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra chất heterocyclic amines, hoặc khi nướng trên lửa sẽ sinh ra polycyclic aromatic hydrocarbons, là những chất gây ra ung thư. Dầu thực vật, mỡ cá và các sản phẩm từ sữa như bơ, phô-mai không có nguy cơ gây UTTLT.
- Các thực phẩm giàu năng lượng dễ gây ra UTTLT. Một số nghiên cứu cho thấy có sự liên hệ giữa UTTLT và những người có khối lượng cơ thể quá khổ, chỉ số BMI cao (body mass index).
- Hoạt động tình dục nhiều cũng có thể gây ra UTTLT, tuy nhiên vấn đề này còn đang gây nhiều tranh cãi.
- Phì đại tiền liệt tuyến cũng góp phần trong UTTLT.
- Những người thắt ống dẫn tinh sẽ tăng nguy cơ UTTLT hơn người bình thường sau 20 năm.
- Thiếu sinh tố D
Triệu chứng lâm sàng Ung thư tuyến tiền liệt
Thông thường ở giai đoạn đầu ung thư tiền liệt tuyến hầu như không có triệu chứng rõ ràng. Ở các giai đoạn sau một vài dấu hiệu của ung thư tiền liệt tuyến có thể bao gồm:
- Tiểu tiện khó khăn: Hiện tượng buồn tiểu nhưng không thể đi được hoặc đang đi tiểu bị dừng lại đột ngột, hoặc có thể đi tiểu nhiều hơn bình thường. Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo nên khi xuất hiện một khối u nào dù chỉ là rất nhỏ cũng có thể gây trở ngại mỗi khi đi tiểu hoặc xuất tinh.
- Đau mỗi khi đi tiểu: Vì có khối u ở tuyến tiền liệt chèn ép lên niệu đạo nên mỗi khi đi tiểu thường có cảm giác đau. Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng có thể gặp khi bạn bị nhiễm trùng tuyến tiền liệt phì đại tuyến.
- Xuất hiện máu trong nước tiểu: Thấy máu trong nước tiểu đôi khi chỉ là một vệt màu hồng nhạt. Một số bệnh lý khác như viêm đường tiết niệu cũng có thể gặp dấu hiệu này. Tuy dấu hiệu này ít phổ biến hơn cả, xong nếu thấy xuất hiện dấu hiệu này bạn cần đi khám ngay để xét nghiệm và chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến chính xác nhất.
- Khó duy trì sự cương cứng: Do có khối u tiền liệt tuyến sẽ làm chặn lưu lượng máu đến dương vật để giúp cương cứng. Tiền liệt tuyến phì đại cũng gây ra dấu hiệu này.
- Máu trong tinh dịch: Dấu hiệu này thường không được người bệnh chú ý. Lượng máu rất ít chỉ đủ làm cho tinh dịch hơi hồng hoặc có vệt máu.
- Đau ở lưng, hông, đùi trên thường xuyên: Đau ở lưng, hông, vùng xương chậu là dấu hiệu phổ biến của bệnh ung thư tiền liệt tuyến.
- Tiểu đêm: Dấu hiệu này thường không được để ý, nhưng đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo bạn mắc ung thư tiền liệt tuyến. Nếu bạn đi tiểu đêm nhiều hơn hai lần thì bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tiết niệu.
- Tiểu rắt: Nếu bị rò rỉ nước tiểu không thể tự chủ thì bạn cũng cần phải lưu ý. Tuy dấu hiệu này không phổ biến nhưng nếu gặp bạn cũng nên chú ý hơn.

Ở giai đoạn đầu ung thư tiền liệt tuyến thường không có triệu chứng. Nó có thể được phát hiện bằng xét nghiệm PSA ( xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt) tăng cao . Đôi khi bệnh còn gây ra những triệu chứng tương tự như các bệnh khác, ví dụ như bệnh tăng sản tuyến tiền liệt lành tính.
Ở các giai đoạn sau của bệnh, ung thư tiền liệt tuyến di căn sang các khu vực khác của cơ thể và có thể gây ra các triệu chứng khác như đau xương. Ung thư tiền liệt tuyến nếu di căn vào cột sống cũng có thể đè lên tủy sống và gây ra yếu chân, đại tiểu tiện không tự chủ.
Những dấu hiệu ung thư tiền liệt tuyến thường phát triển âm thầm, hoặc nếu biểu hiện ra ngoài nhưng cũng bị coi nhẹ, do đó rất khó để phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu tiên.
Cận lâm sàng chẩn đoán Ung thư tuyến tiền liệt
- Nồng độ PSA: Xét nghiệm PSA để phát hiện và chẩn đoán sớm ung thư tiền liệt tuyến. Hội Niệu khoa và thận học Việt Nam (VUNA) khuyến nghị lấy mức PSA bất thường là > 4 ng/ ml. Tỷ lệ PSA tự do/ PSA toàn phần được sử dụng để phân biệt giữa lành tính và ung thư tiền liệt tuyến, tỷ lệ này thấp ở bệnh ung thư tiền liệt tuyến, mức có ý nghĩa là < 0.2.
- Siêu âm tiền liệt tuyến qua trực tràng: đánh giá kích thước khối u, xâm lấn khối u ra xung quanh, hỗ trợ sinh thiết kim qua thành trực tràng. +Cộng hưởng từ tiểu khung: cho hình ảnh rõ ràng về khối u tiền liệt tuyến, xâm lấn của của khối, tình trạng di căn hạch vùng tiểu khung.
- X quang ngực, xạ hình xương, cắt lớp vi tính, PET: đánh giá tình trạng di căn các vị trí khác phổi, xương, hạch….

Biện pháp phòng ngừa Ung thư tuyến tiền liệt
Từ 40 tuổi trở đi, nam giới bắt đầu có nguy cơ mắc bệnh tiền liệt tuyến. Vì vậy nên duy trì những thói quen tốt sau để tốt cho sức khỏe tuyến tiền liệt:
- Cố gắng đi tiểu ngay khi có nhu cầu, không nên nhịn tiểu
- Tập thói quen tiểu tiện đúng giờ, cho dù chưa buồn tiểu.
- Uống đủ lượng nước” Mỗi người cần uống đủ tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày. Nước giúp cơ thể hấp thu các chất dinh dưỡng, đào thải độc tố trong cơ thể. Ngoài ra, nước còn giúp phòng bệnh phì đại tuyến tiền liệt, táo bón và một số bệnh khác.
Lưu ý là bạn nên hạn chế uống nước vào buổi tối vì có thể gây đi tiểu đêm nhiều lần.
- Giữ chế độ sinh hoạt tình dục đều đặn
- Có chế độ ăn uống hợp lý để phòng bệnh phì đại tuyến tiền liệt
- Ăn nhiều món ăn làm từ đậu nành và đậu xanh. Đậu nành, đậu xanh, giá đỗ có tác dụng tương tự Isoflavone và Lignane. Những chất này giúp ức chế các phản ứng viêm tuyến tiền liệt, kháng ung thư.
- Hạn chế ăn các thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá, cà phê và các chất kích thích khác.
- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục đều đặn làm tăng cường hệ miễn dịch, kích thích hệ tiêu hóa. Các bài tập thể dục cũng góp phần phòng bệnh phì đại tuyến tiền liệt. Hơn nữa, tập thể dục giúp giảm béo phì – một tác nhân gây các bệnh liên quan đến tuyến tiền liệt.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc
- Cần phải thận trọng khi sử dụng thuốc. Một số loại thuốc có ảnh hưởng không tốt đến tiền liệt tuyến.
- Nên sử dụng các thảo dược hiệu quả, an toàn cho bệnh phì đại tiền liệt tuyến.

Tây y điều trị bệnh Ung thư tuyến tiền liệt
Với sự gia tăng của UTTTL trong một xã hội công nghiệp phát triển thì sự lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, giảm bớt chi phí y tế một cách hợp lý là một vấn đề quan trọng. Các nhà tiết niệu phải là người cung cấp cho bệnh nhân thông tin về mức độ bệnh, các phương pháp điều trị cùng chỉ định của nó, tránh chẩn đoán quá dẫn đến điều trị quá.
Các yếu tố quyết định chỉ định điều trị:
– Tuổi, tình trạng sức khỏe của người bệnh
– Nguy cơ phát triển bệnh, bao gồm:
+ Nồng độ PSA huyết thanh
+ Giai đoạn lâm sàng (stade – TNM).
+ Điểm Gleason
Điều trị phẫu thuật
– Nguyên tắc điều trị:
+ Cắt toàn bộ tuyến tiền liệt, túi tinh và bóng của ống dẫn tinh
+ Nạo hạch chậu
Các phương pháp điều trị phẫu thuật chủ yếu hiện nay đối với UTTTL :
– Phẫu thuật nội soi: nội soi ổ bụng (LRP), hoặc có sự hỗ trợ của ROBOT (RORP)
– Phẫu thuật mở cắt toàn bộ TTL: qua đường sau xương mu (RRP), hoặc qua đường tầng sinh môn (PRP)

Điều trị bằng thuốc
– Mục đích của điều trị là sử dụng các thuốc nhằm ngăn chặn từng khâu trong quá trình phát triển của UT, chủ yếu là UTTTL giai đoạn muộn khi đã có tái phát và di căn xa không còn khả năng điều trị triệt căn.
– Sự phát triển của UTTTL được mô tả như là một hệ thống dưới sự điều khiển của yếu tố: – hormon sinh dục nam – các yếu tố thụ cảm thể – các men chuyển, là những yếu tố gây ra sự biến đổi trong gène tế bào:
+ Những năm 40 của thế kỷ 20, Huggins và các đồng nghiệp đã mô tả một cách hệ thống về mối quan hệ giữa hormon nam và sự phát triển UTTTL, tác giả nhận thấy nguồn hormon tại tinh hoàn và tuyến thượng thận có vai trò kích thích UT phát triển và việc ngăn chặn có thể đạt được bằng các biện pháp loại bỏ hormon nam.
+ Các yếu tố thụ cảm thể, đặc biệt các thụ cảm thể tín hiệu (AR-Signaling) đóng vai trò trung gian trong việc điều chỉnh các tác động của hormon nam lên tế bào và đóng vai trò chính đối với UT tồn tại dai dẳng sau khi loại bỏ các nguồn hormon nam. Quá trình này có thể ngăn chặn được bằng các biện pháp ức chế AR.
+ Ngoài ra, việc sử dụng các thuộc ức chế men chuyển – 5α reductase (Dutasteride) hoặc kết hợp với thuốc ức chế sản xuất tiền hormon nam tuyến thượng thận (ketoconazole) cũng đóng vai trò quan trọng trong điều trị UTTTL.
Xạ trị
Là phương pháp sử dụng bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Trong giai đoạn tế bào ung thư vẫn khu trú ở tuyến tiền liệt, xạ trị được đánh giá là có kết quả điều trị tương đương với phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt. Xạ trị kết hợp với liệu pháp hormone cũng là phương pháp được lựa chọn với ung thư tiền liệt tuyến mà các tế bào ung thư đã lây lan sang các mô liền kề.
Liệu pháp hormone cho ung thư tuyến tiền liệt
Còn được gọi là liệu pháp ức chế androgen. Mục đích là để giảm mức độ hormone nam, được gọi là androgen, trong cơ thể, để ngăn chặn chúng cung cấp năng lượng cho các tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Giảm mức độ androgen hoặc ngăn chặn chúng xâm nhập vào các tế bào ung thư tuyến tiền liệt thường làm cho ung thư tuyến tiền liệt co lại hoặc phát triển chậm hơn trong một thời gian. Liệu pháp hormon đơn thuần không chữa được ung thư tuyến tiền liệt do đó liệu pháp này được sử dụng trong trường hợp ung thư đã lan quá xa để được chữa khỏi bằng phẫu thuật hoặc xạ trị.