Bệnh học ung thư thực quản

ung thư thực quản

Đại cương Ung thư thực quản

Định nghĩa Ung thư thực quản

Thực quản là ống tiêu hóa nằm ngay sau khí quản, có nhiệm vụ dẫn thức ăn, các chất lỏng từ họng xuống tới dạ dày. Thực quản của một người trưởng thành thường có chiều dài khoảng 25 cm.

Ung thư thực quản bắt đầu trong các tế bào trong lòng thực quản. Theo thời gian, ung thư có thể xâm nhập sâu hơn vào các lớp của thành thực quản và do thực quản không có thanh mạc nên u nhanh chóng xâm lấn qua cơ quan lân cận. Các tế bào ung thư có thể lây lan bằng cách phá vỡ  khối u ban đầu cũng có thể xâm nhập vào mạch máu hoặc mạch bạch huyết quanh thực quản, nhanh chóng di căn vào hạch ngay khi bệnh còn mới và di căn xa khắp các mô của cơ thể như phổi, gan, xương.

Dịch tễ học

  • Ung thư thực quản là loại ung thư phổ biến đứng hàng thứ 8 trên thế giới và có tiên lượng nghèo nàn bậc nhất vì khi phát hiện được trên lâm sàng, u thường đã ở giai đoạn tiến triển.
  • Khoảng 8.000 trường hợp mắc bệnh hàng năm ở Mỹ. Ung thư biểu mô tế bào vảy phổ biến hơn ở Châu Á và Nam Phi. Ở Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh ở người da đen cao gấp 4-5 lần so với người da trắng và ở nam giới cao gấp 2-3 lần so với nữ.

Phân loại

Ung thư thực quản gồm có một số dạng như: ung thư biểu mô vảy, ung thư biểu mô tuyến và một số loại khác.

  • Ung thư biểu mô vảy (chiếm khoảng 95%) là tình trạng ung thư từ tế bào dạng biểu bì ở thành thực quản, thường xảy ra ở phần trên hoặc giữa thực quản.
  • Ung thư biểu mô tuyến (chiếm 2.5-8%) là tình trạng các tế bào cũng như các khối u thường xuất hiện từ tổ chức tuyến ở phần dưới của thực quản. Những khối u này nếu không được điều trị có thể xâm lấn ra những bộ phận khác của của cơ thể như gan, phổi hay xương,…
  • Các loại khác (chưa tới 1%) bao gồm ung thư tế bào nhỏ, u sắc tố ác tính, lympho và sacôm.

Yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư thực quản vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản:

  • Tuổi: Ung thư thực quản thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh ở tuổi trên 60.
  • Giới: Thường gặp ở nam hơn ở nữ.
  • Di truyền: Trong phần lớn các kết quả điều tra cho thấy, nhiều bệnh nhân bị mắc ung thư thực quản là do di truyền, trong đó tỉ lệ mắc bệnh từ người bố là cao nhất.
  • Thuốc lá: Hút thuốc lá hoặc các chế phẩm có thuốc lá là nguy cơ chủ yếu gây ung thư thực quản
  • Rượu: Những người nghiện rượu hoặc uống rượu thường xuyên có nguy cơ cao bị ung thư thực quản, nguy cơ này đặc biệt cao ở những người sử dung cả rượu và thuốc lá.
  • Bệnh viêm thực quản Barrett: Loét thực quản kéo dài làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản.Tổ chức ở đáy thực quản có thể bị hoại tử nếu dịch vị dạ dày thường xuyên bị trào ngược lên thực quản hay gặp trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các tế bào ở thực quản thay đổi nhiều và bắt đầu trở nên giống các tế bào ở dạ dày, đây là một tổn thương tiền ung thư và có thể phát triển thành bệnh ung thư biểu mô tuyến của thực quản.
  • Tiền sử bệnh tật: Các bệnh nhân bị các bệnh ung thư vùng đầu mặt cổ có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư thứ hai ở vùng này trong đó có ung thư thực quản.

Triệu chứng lâm sàng Ung thư thực quản

Ở giai đoạn sớm, hầu như bệnh không gây nên triệu chứng hay dấu hiệu gì.

Khi khối u đã phát triển, bệnh nhân thường gặp phải một số triệu chứng của bệnh ung thư thực quản sau:

  • Nuốt nghẹn: là triệu chứng dễ cảm nhận và gặp ở đa số bệnh nhân ung thư thực quản. Lúc đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện khó nuốt nhưng không cảm thấy đau. Khi bệnh nặng hơn, khó nuốt sẽ kèm thêm đau. Lúc đầu, bệnh nhân chỉ khó nuốt với thức ăn rắn, về sau khó nuốt với cả thức ăn lỏng, thậm chí nuốt nước bọt cũng thấy đau và khó thực hiện.
  • Thường xuyên có hiện tượng chảy nước bọt kèm theo hơi thở mùi hôi khó chịu, ợ hơi, sặc khi ăn uống.
  • Sụt giảm cân rõ rệt, xảy ra tình trạng mất nước và dần dần là suy kiệt do không ăn và nuốt được.
  • Thường xuyên bị đau lưng, phía sau xương ức hoặc hai xương bả vai.
  • Có thể cảm thấy rát họng, ho kéo dài, thậm chí ho ra máu.
  • Thường xuyên cảm thấy buồn nôn, nôn.
  • Các biểu hiện khác có thể bắt gặp khi khối u phát triển như tức nặng, cảm giác vướng vùng họng, khó thở, khạc đờm, khàn giọng,…
ung thư thực quản
Nuốt nghẹn là triệu chứng gặp ở đa số bệnh nhân Ung thư thực quản

Biến chứng

Khi ung thư thực quản tiến triển, nó có thể gây ra các biến chứng như: Tắc nghẽn thực quản: Ung thư có thể làm cho thức ăn, chất lỏng khó hoặc không thể đi qua thực quản của bạn; Đau; Chảy máu: Mặc dù xuất huyết thường là từ từ, rỉ rã nó có thể đột ngột và nghiêm trọng.

Cận lâm sàng

  • Chụp X-quang thực quản có uống thuốc cản quang: Có thể xác định bất kỳ hình ảnh bất thường nào về sự thay đổi bất thường về hình dạng của thực quản.
  • Chụp cắt lớp vi tính ngực – bụng: đánh giá xâm lấn của u, tình trạng di căn hạch và di căn xa
  • Nội soi thực quản – dạ dày, sinh thiết giúp xác chẩn giải phẫu bệnh
  • Siêu âm nội soi thực quản giúp phân biệt các tổn thương giai đoạn sớm và sinh thiết hạch trung thất, ổ bụng
  • Nội soi khí quản đánh giá xâm lấn khí – phế quản
  • Chụp PET/CT với F18 -FDG đây là phương pháp chẩn đoán rất có giá trị trong đánh giá giai đoạn, đánh giá đáp ứng sau điều trị và phát hiện tái phát.

Các giai đoạn Ung thư thực quản

Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thực quản, các bác sĩ sẽ bước vào đánh giá giai đoạn của bệnh ung thư với 4 giai đoạn sau:

  • Ung thư thực quản giai đoạn 1: tế bào ung thư nằm ở lớp trên cùng của thành thực quản.
  • Ung thư thực quản giai đoạn 2: khi tế bào ung thư đã xâm lấn đến tổ chức bạch huyết lân cận, tuy nhiên chưa ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.
  • Ung thư thực quản giai đoạn 3: trong vùng cạnh thực quản, tế bào ung thư đã xấm lấn tổ chức và bạch huyết, ảnh hưởng đến lớp sâu hơn của thành thực quản.
  • Ung thư thực quản giai đoạn 4: tế bào ung thư đã xâm lấn đến các bộ phận khác của cơ thể như: gan, phổi, não, xương. Ở giai đoạn này, cần sử dụng các phương pháp y học như: Chụp cắt lớp vi tính, xạ hinh xương, nội soi phế quản để chẩn đoán bệnh.
ung thư thực quản

Biện pháp phòng ngừa Ung thư thực quản

  • Những biện pháp phòng tránh ung thư thực quản+Cân bằng chế độ ăn uống: Trong chế độ ăn uống hàng ngày nên bổ sung thêm nhiều rau có thể giúp phòng tránh ung thư thực quản. Không nên hoặc hạn chế ăn những thực phẩm hun khói, chiên dầu mỡ. Không nên ăn những đồ ăn quá nóng, tốc độ ăn cũng không nên quá nhanh vì chúng cũng dễ gây tổn thương cho thực quản. Nên cân bằng độ dinh dưỡng giữa các loại thực phẩm sẽ giúp phòng ngừa hiệu quả bệnh ung thư thực quản.
  • Không nên ăn những thực phẩm dễ gây ung thư Những thực phẩm như lạc, đậu nành đã bị mốc thì không nên ăn. Nên cai rượu và thuốc lá vì chúng đều là những tác nhân gây tổn thương thực quản.
  • Kiên trì tập thể dục có thể phòng ngừa ung thư thực quản. Tập thể dục đều đặn không chỉ có thể tăng cường sức khỏe mà còn giúp phòng tránh mắc ung thư thực quản. Hàng ngày nên kiên trì tập luyện 1 tiếng, chú ý không nên tập quá sức. Nên điều chỉnh lượng tập luyện trong 1 tiếng tùy vào tình trạng sức khỏe của bản thân.

Tây y điều trị bệnh Ung thư thực quản

Cũng như những căn bệnh ung thư khác, điều trị ung thư thực quản cũng cần phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, và cũng gồm các biện pháp điều trị thông thường: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, hỗ trợ điều trị bằng đông y. Cần dựa vào giai đoạn phát triển của khối u và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để quyết định biện pháp điều trị phù hợp.

  • Phương pháp điều trị bệnh ung thư thực quản ở các giai đoạn:

+Giai đoạn I, II: Phẫu thuật sớm và triệt để, cắt đoạn thực quản có khối u, kết hợp với hóa trị, xạ trị đồng thời nâng cao tích cực thể trạng của bệnh nhân.

+Giai đoạn III: Ở giai đoạn này, phẫu thuật thường không thể cắt bỏ triệt để khối u do đó cần thiết phải áp dụng đến hóa trị và xạ trị. Có thể tiến hành chiếu tia xạ và truyền hóa chất cả trước và sau phẫu thuật.

+Giai đoạn IV: Ở giai đoạn này khối u đã phát triển lớn và xâm lấn, do đó thường chỉ mở thông dạ dày để thức ăn có thể đi vào và nuôi dưỡng cơ thể, các biện pháp điều trị hầu như không còn hiệu quả nữa. Có thể hỗ trợ điều trị bằng Đông y để tăng cường hệ miễn dịch, giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân.

  • Các phương pháp điều trị Ung thư thực quản

+Phẫu thuật: Là biện pháp điều trị chủ yếu ung thư thực quản. Thông thường khối u được lấy cùng với một phần hoặc toàn bộ thực quản, tổ chức bạch huyết kế cận và các tổ chức khác trong vùng. Sau đó phần còn lại của thực quản sẽ được nối với dạ dày giúp bệnh nhân vẫn tiếp tục nuốt như bình thường. Trong một số trường hợp, đoạn nối có thể được tạo bởi một đoạn ruột non hoặc một ống nhựa.

+Xạ trị: Xạ trị có thể được điều trị đơn thuần hoặc kết hợp hóa chất như một biện pháp điều trị khởi đầu thay cho phẫu thuật đặc biệt khi khối u lớn và ở vị trí khó khăn cho phẫu thuật. Thậm chí cả khi khối u không thể lấy bỏ được bằng phẫu thuật hoặc xạ trị thì điều trị tia xạ có thể giúp giảm đau và giúp bệnh nhân nuốt dễ dàng hơn.

+Hóa trị liệu: Hóa chất có thể kết hợp xạ trị như biện pháp điều trị khởi đầu thay cho phẫu thuật hoặc nhằm làm giảm kích thước u trước phẫu thuật.

+Điều trị laser: Laser liệu pháp chỉ ảnh hưởng đến các tế bào trong vùng điều trị và được sử dụng nhằm phá hủy tổ chức ung thư và giải phóng vùng tắc nghẽn của ung thư thực quản giúp làm giảm triệu chứng khó nuốt.

+Điều trị quang động học: Có thể sử dụng liệu pháp quang động học giúp giảm các triệu chứng khó nuốt của ung thư thực quản.