Nội dung bài viết
Đại cương Ung thư đại tràng:
Định nghĩa Ung thư đại tràng:
Ung thư đại tràng là sự phát triển bất thường của các tế bào có khả năng xâm lấn hoặc lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư đại tràng còn được gọi là ung thư ruột hay ung thư ruột kết là sự phát triển của ung thư từ ruột kết hoặc trực tràng (các bộ phận của ruột già). Ung thư đại tràng thường bắt đầu từ polyp được hình thành trong ruột già và trực tràng, qua thời gian, các polyp này có thể tiến triển thành ung thư.
Dịch tễ học:
Ung thư đại tràng là bệnh khá phổ biến ở nước ta, thực tế bệnh thường gặp ở cả hai giới nam và nữ nhưng ở nam bị mắc bệnh nhiều hơn nữ. Lứa tuổi mắc bệnh nhiều nhất là từ 30 – 60.
Có thể nói ung thư đại tràng đứng hàng thứ hai ngang hàng với ung thư gan nguyên phát. Các nhà khoa học ghi nhận ở những bệnh nhân sau phẫu thuật thấy số người bệnh ung thư đại tràng sống thêm được 5 năm nhiều hơn số bệnh nhân bị ung thư dạ dày, ung thư gan hoặc ung thư thực quản.

Nguyên nhân:
- Polyp đại tràng: Là nguyên nhân quan trọng gây ung thư đại tràng. Theo một nghiên cứu, trên 50% trường hợp ung thư đại tràng phát sinh trên cơ sở của polyp đại tràng
- Các bệnh đại tràng mãn tính: Ung thư đại tràng có thể phát sinh trên tổn thương của các bệnh: lỵ, amip, lao, giang mai, thương hàn và các bệnh lý khác của đại tràng như viêm loét đại tràng mãn tính
- Chế độ ăn uống ít chất bã, nhiều mỡ và đạm động vật: Chế độ ăn này làm thay đổi vi khuẩn yếm khí ở đại tràng, biến acid mật và cholesterol thành những chất gây ung thư.
- Yếu tố di truyền: Bệnh polyp đại tràng gia đình liên quan tới đột biến của gen APC (Adenomatous polyposis coli), chiếm 1% các ung thư đại tràng. Ngoài ra, HNPCC còn gọi là hội chứng Lynch, liên quan tới gen P53, RAS và DCC. Chiếm 5% trong số các ung thư đại trực tràng.
Yếu tố nguy cơ:
- Hút thuốc lá. Đặc biệt là những người đã hút thuốc trong nhiều năm.
- Uống rượu. Nghiên cứu cho thấy một liên kết giữa việc tiêu thụ rượu (ngay cả khi nó là trung bình) và một số loại ung thư : vú, đại tràng và trực tràng, thực quản, thanh quản, gan, miệng và họng.
- Bệnh béo phì và thừa cân.
- Không hoạt động thể lực.
- Chế độ ăn giàu thịt đỏ, thịt chế biến (xúc xích, giăm bông, thịt hun khói, thịt nướng vv), và ít trái cây và rau.
- Thiếu ánh sáng tự nhiên.

Triệu chứng lâm sàng của Ung thư đại tràng:
- Rối loạn tiêu hóa kéo dài: Đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn. Đau quặn bụng. Chán ăn, khó tiêu, đầy trướng bụng trên vùng rốn, ăn không ngon là tình trạng thường thấy ở người bệnh ung thư đại tràng. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, sút cân.
- Giảm cân bất thường: Không phải do tập luyện hay ăn kiêng giảm cân mà cơ thể đột ngột sút cân thì bạn cũng không nên coi thường. Rất có thể đó là dấu hiệu của ung thư, nhất là ung thư đại tràng, dạ dày hoặc các bộ phận khác liên quan đến đường tiêu hóa.
- Các rối loạn liên quan bài tiết phân: Người bệnh thường hay bị chứng rối loạn đại tiện, bài tiết phân như đi táo, đi lỏng thất thường, tình trạng này kéo dài.
- Ung thư đại trực tràng thường khiến người bệnh đau quặn, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài. Phân nhày mũi máu và phân nát, phân hình lá lúa (do phân phải đi qua khối u), đi xong vẫn muốn rặn tiếp.
- Phân mỏng, dẹt so với bình thường: Tình trạng phân mỏng do khối u khiến phân bị chặn lại. Nếu phân có kích thước mỏng như một chiếc bút chì hoặc có hình lá lúa do phải đi qua khối u thì cần đề cao cảnh giác.
- Xuất hiện máu trong phân: Đại tiện kèm máu đỏ tươi, nhỏ giọt, phủ lên phân.
- Mệt mỏi và suy nhược: là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư nhưng lại dễ bị bỏ qua nhất. Mệt mỏi do ung thư đại tràng thường liên quan đến thiếu máu do mất máu trong phân. Người bệnh cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi, đồng thời suy nhược cơ thể một cách nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân.
- Ngoài các triệu chứng nêu trên, khi ung thư muộn thì có người sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng, vàng da, bụng to dần…

Biến chứng Ung thư đại tràng:
- Tắc ruột: Hầu hết các trường hợp tắc ruột là do khối u làm tắc lòng đại tràng. Một nguyên nhân khác làm tắc ruột là do lồng ruột, thường gặp khối u ở manh tràng lồng vào đại tràng lên.
- Thủng ruột: Biến chứng thủng ruột thường gặp ở bệnh nhân đến bệnh viện với hội chứng viêm phúc mạc hoặc tắc ruột.
- Áp-xe quanh khối u: biến chứng này không phải là hiếm gặp nhưng khó chẩn đoán, dễ nhầm lẫn với áp-xe ruột thừa, viêm túi mật cấp tính, áp-xe phần phụ…
- Di căn: xuất hiện muộn ở niêm mạc thành bụng, ở gan hoặc ở buồng trứng, các hạch… Thông thường trong khi phẫu thuật mới phát hiện thấy hiện tượng di căn.
Cận lâm sàng:
- X-quang:
X-quang là một phương pháp phổ biến và có giá trị để chẩn đoán ung thư đại tràng. Có 2 phương pháp thường dùng:
Chụp cản quang khung đại tràng bằng thuốc baryt
Chụp cản quang kép: sau khi thụt baryt vào đại tràng để người bệnh đi tiêu rồi bơm hơi vào đại tràng để chụp, phương pháp này có thể phát hiện khối u rõ hơn
- Nội soi tiêu hóa:
Nội soi được tiến hành khi hình ảnh X-quang của khối u không rõ hoặc khi cần phân biệt các khối u lành tính với ác tính của đại tràng và trong những trường hợp xuất huyết ở đại tràng không rõ nguyên nhân.
Nội soi kết hợp với sinh thiết có giá trị lớn trong chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt ung thư đại tràng.
- Các xét nghiệm khác:
Chụp X-quang bụng, chụp CT scanner, chụp MRI, chụp PET,… có giá trị đánh giá giai đoạn bệnh.
- Xét nghiệm sàng lọc ung thư đại tràng:
Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT): máu trong phân có thể do nhiều nguyên nhân như polyp, ung thư, viêm loét đại trực tràng, trĩ… Vì vậy, nếu xét nghiệm dương tính cần nội soi đại trực tràng bằng ống mềm để kiểm tra.
Nội soi đại tràng: đánh giá toàn bộ khung đại tràng và trực tràng, giúp phát hiện các khối u ở kích thước khoảng vài milimet hoặc các bất thường khác của đại tràng như polyp đại tràng, túi thừa, các tổn thương loét, viêm do nhiễm khuẩn, …
Xét nghiệm các dấu ấn ung thư: bao gồm các dấu ấn CEA, CA 19-9 thường được sử dụng trong chẩn đoán ung thư đại tràng.

Biện pháp phòng ngừa Ung thư đại tràng:
- Bỏ hút thuốc lá.
- Hoạt động thể chất.
- Đạt và duy trì một trọng lượng khỏe mạnh.
- Hạn chế uống rượu.
- Ăn đủ các loại trái cây và rau quả và ngũ cốc.
- Hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, thịt nguội (thịt chế biến-bảo quản).
Tây y điều trị bệnh Ung thư đại tràng:
Phân loại Ung thư đại tràng:
Ung thư đại tràng có 4 giai đoạn chính, được phân loại dựa trên cấu trúc của đại tràng và cách tế bào lây lan từ đại tràng tới các bộ phận khác của cơ thể.
- Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn sớm nhất của ung thư đại tràng, khi đó ung thư vẫn chỉ giới hạn trong đại tràng.
- Giai đoạn 2: Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư bắt đầu lan ra ngoài đại tràng và di căn tới các khu vực khác trong đại tràng.
- Giai đoạn 3: Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư bắt đầu lan đến các hạch bạch huyết lân cận.
- Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn cuối cùng của ung thư đại tràng khi các tế bào ung thư di căn tới các cơ quan khác của cơ thể.
Điều trị:
Phẫu thuật:
Mục đích để loại bỏ khối u đại tràng hoặc trực tràng, và một phần mô khỏe mạnh xung quanh khối u đảm bảo lấy tối đa tế bào ung thư.
Phẫu thuật là cách duy nhất chữa khỏi bệnh cho ung thư đại tràng khi còn ở tại chỗ (giai đoạn I – III).
Phẫu thuật cắt bỏ vẫn là lựa chọn duy nhất có khả năng triệt căn cho bệnh nhân di căn có giới hạn ở gan và/hoặc phổi (bệnh ở giai đoạn IV). Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm:
- Cắt đại tràng phải: Đối với các tổn thương ở manh tràng và đại tràng phải.
- Cắt đại tràng phải mở rộng: Đối với các tổn thương ở đại tràng ngang hoặc giữa.
- Cắt đại tràng trái: Đối với các tổn thương ở đại tràng góc lách lách và đại tràng trái
- Cắt đại tràng sigma: Đối với tổn thương đại tràng sigma
- Cắt đại tràng toàn bộ với miệng nối hồi trực tràng: Đối với một số bệnh nhân mắc ung thư đại tràng di truyền không polyps, bệnh đa polyp tuyến gia đình, ung thư đại tràng nhiều vị trí hoặc tắc ruột cấp do ung thư mà không rõ tình trạng đoạn ruột để lại phía trên.

Các lựa chọn điều trị khác cho bệnh nhân không phẫu thuật
Liệu pháp áp lạnh
Đốt sóng cao tần
Nút mạch gan hóa chất
Hóa trị
Là những phương pháp điều trị thường là cần thiết để tiêu diệt tế bào ung thư đã di cư đến các hạch bạch huyết hay ở nơi khác trong cơ thể. Hóa trị được sử dụng dưới dạng tiêm hoặc dạng viên nén. Nó có thể gây ra nhiều phản ứng phụ, như mệt mỏi, buồn nôn và rụng tóc.
Xạ trị:
Sử dụng nhiều nguồn tia khác nhau của bức xạ ion hóa. Nó được sử dụng trước hoặc sau khi phẫu thuật tuỳ từng bệnh nhân.
Điều trị khác:
- Thuốc: Các loại thuốc hạn chế sự gia tăng của tế bào ung thư đôi khi được sử dụng, một mình hoặc kết hợp với phương pháp điều trị khác. Bevacizumab (Avastin ®): giới hạn sự tăng trưởng của khối u bằng cách ngăn ngừa sự hình thành các mạch máu mới trong khối u. Nó được chỉ định như điều trị biện minh khi ung thư di căn.
- Miễn dịch: Dùng thuốc hoặc các chế phẩm tăng cường miễn dịch tự thân hoặc phân tách nuôi cấy các tế bào miễn dịch của cơ thể sau đó đưa trở lại cơ thể người bệnh.
- HIPEC: Phương pháp Hóa-nhiệt trong phúc mạc, là hóa chất được làm nóng, bơm tuần hoàn trong khoang ổ bụng của người bệnh.