Bệnh học ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng

Đại cương Ung thư buồng trứng

Định nghĩa Ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng là tình trạng khối u ác tính xuất phát từ buồng trứng như từ bề mặt buồng trứng, hay từ các tế bào sản xuất ra trứng, từ các mô nâng đỡ quanh buồng trứng…

Ung thư buồng trứng

Dịch tễ học

  • Ở Mỹ, ung thư buồng trứng là ung thư phụ khoa phổ biến thứ 2 (ảnh hưởng đến khoảng 1/70 phụ nữ). Đây là nguyên nhân hàng thứ 5 gây tử vong do ung thư ở phụ nữ, và ở Mỹ sẽ gây 22440 trường hợp bệnh mới và 14.080 trường hợp tử vong vào năm 2017. Tỷ lệ mắc bệnh ở các nước phát triển cao hơn.
  • Tại Việt Nam theo số liệu ghi nhận ung thư quần thể thì xuất độ ung thư buồng trứng năm 2000 ở Hà Nội là 4,4/100.000 dân và ở Thành phố Hồ Chí Minh là 3,7/100.000 dân. Một số quốc gia ở Bắc Mỹ và Bắc Âu, phụ nữ có nguy cơ cao. Trái lại tỷ lệ thấp ở Nhật và các quốc gia đang phát triển.

Phân loại

Hiện nay các nhà nghiên cứu đã chia ra 3 loại ung thư buồng trứng:

  • Ung thư biểu mô buồng trứng: đây là loại ung thư buồng trứng hay gặp nhất, các tế bào ung thư buồng trứng đột biến từ những tế bào biểu mô bề mặt buồng trứng.
  • Ung thư tế bào mầm: loại này ít gặp hơn hơn ung thư biểu mô, khối u buồng trứng bắt nguồn từ những tế bào sản xuất ra trứng.
  • Ung thư mô đệm: tế bào ung thư phát sinh ra từ mô nâng đỡ buồng trứng.

Nguyên nhân Ung thư buồng trứng

Bệnh ung thư buồng trứng hiện nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây bệnh.. Nhưng các nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa các yếu tố sau làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng:

  • Tiền sử gia đình: Những người có quan hệ huyết thống như mẹ, chị, em gái ruột mắc bệnh ung thư buồng trứng. Trong gia đình có người mắc ung thư vú, ung thư đại tràng cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.
  • Tiền sử bản thân: Những phụ nữ có tiền sử mắc bệnh ung thư vú và ung thư đại tràng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn
  • Tuổi: Khả năng phát sinh ung thư buồng trứng tăng cao theo tuổi, hầu hết xuất hiện ở độ tuổi trên 50 và tăng cao ở những người trên 60 tuổi.
  • Mang thai và sinh con: Những phụ nữ đã từng mang thai và sinh con thì nguy cơ thấp hơn so với những người chưa từng sinh con. Sinh càng nhiều con thì nguy cơ càng thấp.
  • Sử dụng thuốc kích thích phóng noãn: Có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Tuy nhiên là vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu.
  • Điều trị hormon thay thế: Điều trị hormon thay thế sau khi mãn kinh tăng nguy cơ.
  • Bột talc: Phụ nữ sử dụng bột talc nhiều ở cơ quan sinh dục làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.

Triệu chứng lâm sàng Ung thư buồng trứng

Bệnh ung thư buồng trứng cũng giống như đa phần các bệnh ung thư khác đều không có các triệu chứng hay dấu hiệu sớm, mà phải đến giai đoạn muộn mới biểu hiện rõ ràng,

Tuy nhiên có thể thấy các dấu hiệu sớm của bệnh bao gồm:

  • Cảm giác khó chịu, đau ở vùng bụng dưới
  • Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón của các bệnh lý tiêu hóa nhưng có thể không phải do bệnh tiêu hóa mà do khối u tại buồng trứng đang bắt đầu to lên và tạo áp lực lên dạ dày, ruột, triệu chứng sớm của ung thư buồng trứng
  • Thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang
  • Ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ. Các khối u chèn ép sẽ gây ra hiện tượng này. Khi tình trạng xảy ra lâu thường xuyên thì bạn nên đi khám ngay
  • Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân.
  • Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Đau khi quan hệ tình dục, cơn đau xuất hiện ở bên phải hoặc bên trái khung xương chậu
Chảy máy âm đạo một trong những dấy hiệu của ung thư buồng trứng

Biến chứng

Tế bào ung thư buồng trứng di căn tới đâu sẽ hình thành khối u ác tính tại đó và gây ra những triệu chứng đặc trưng ở cơ quan mà nó ảnh hưởng. Cụ thể là:

  • Cổ trướng: tế bào ung thư buồng trứng di căn tới màng bụng, gây tích tụ chất lỏng ở đây và làm bụng sưng lên.
  • Tắc nghẽn đường tiêu hóa: khi tế bào ung thư buồng trứng lan tới thành ruột sẽ tạo sự kết dính bên trong ruột, làm ruột co thắt, tắc nghẽn. Các chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể bị tắc nghẽn ở hệ thống tiêu hóa, khiến người bệnh có biểu hiện chán ăn, buồn nôn và nôn ói. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn cuối.
  • Đau tức, khó thở, vàng da, vàng mắt khi tế bào ung thư di căn tới gan, gây áp lực tại cơ hoành.
  • Khó thở, phổi phình to, tràn dịch màng phổi,… khi tế bào ung thư di căn tới phổi và các dịch màng phổi xung quanh.
  • Đau, mỏi xương khớp khi ung thư buồng trứng lan tới xương khớp.
  • Đau đầu, co giật, yếu cơ, động kinh, teo cơ bắp,… khi tế bào ung thư di căn tới não.

Cận lâm sàng

  • Siêu âm

Đặc điểm chung của các u buồng trứng ác tính trên siêu âm là: Khối có thường có kích thước lớn, thành dầy, ranh giới khó xác định. Cấu trúc âm là khối hỗn hợp xen lẫn phần đặc, phần dịch do hoại tử. Khối thường có vách, nhú trong lòng khối có kích thước lớn, bờ nhú nham nhở giống hình suplơ. Đánh giá dịch ổ bụng.

  • Chụp cắt lớp vi tính

Giúp đánh giá tình trạng xâm lấn và di căn của khối u.

  • Xét nghiệm các chất chỉ điểm khối u
    • CA-125 tăng cao trong hơn 80% ung thư biểu mô buồng trứng và có thể tăng trong một số tình trạng lành tính.
    • AFP và hCG có thể tăng trong các trường hợp u tế bào mầm. HE4: độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn CA – 125
  • Tế bào học

Tế bào học dịch ổ bụng tìm tế bào ung thư.

  • Soi ổ bụng

Soi ổ bụng giúp đánh giá được tổn thương, giai đoạn bệnh, đồng thời sinh thiết bệnh phẩm làm xét nghiệm mô bệnh học. Tuy nhiên, soi ổ bụng có nguy cơ gây vỡ u hoặc làm lan tràn ung thư ra ổ bụng và thành bụng. Vì vậy, chỉ nên tiến hành sinh thiết khi có nghi ngờ và với những u còn nhỏ đồng thời nên tiến hành ở những cơ sở có khả năng phẫu thuật tốt.

  • Mổ thăm dò và chẩn đoán sinh thiết

Sinh thiết tức thì là một phương pháp chẩn đoán mô bệnh học trong lúc mổ trên các tiêu bản được cắt từ máy cắt lạnh (Cryostat). Phương pháp này giúp các nhà phẫu thuật có một thái độ xử lý đúng đắn, làm giảm số lần phẫu thuật, rút ngắn thời gian điều trị, góp phần quan trọng trong điều trị các khối u và ung thư nói chung. Độ chính xác, độ đặc hiệu của xét nghiệm này với u buồng trứng vào khoảng 98,2% và 100%.

  • Chẩn đoán mô bệnh học

Chẩn đoán mô bệnh học là chẩn đoán quyết định và cần thiết trước khi tiến hành điều trị cho người bệnh. Để chẩn đoán chính xác cần lấy đúng vùng mô u, tránh lấy vào vùng hoại tử, lấy nhiều vùng khác nhau và cần cố định bệnh phẩm ngay sau khi lấy ra khỏi cơ thể với dung dịch formol trung tính 10% trước khi gửi xuống khoa Giải phẫu bệnh.

Biện pháp phòng ngừa Ung thư buồng trứng

  • Khám sức khỏe định kỳ: Bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là khám phụ khoa ít nhất 6 tháng một lần để có thể phát hiện và phòng ngừa bệnh một cách sớm nhất.
  • Kéo dài thời gian cho con bú sữa mẹ: Khi cho con bú sữa mẹ trên 6 tháng, tuyến vú sẽ tiết ra oxytocin giúp sản sinh nhiều hoóc-môn sinh dục, hoóc môn sinh dục này sẽ giúp phụ nữ phòng ngừa được ung thư buồng trứng.
  • Thường xuyên vận động: Thường xuyên vận động, luyện tập thể dục, thể thao không chỉ giúp các chị em phụ nữ phòng ngừa được ung thư buồng trứng mà còn có được cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Nên bổ sung nhiều thực phẩm chứa nhiều chất xơ và vitamin tự nhiên như: rau xanh, ngũ cốc, hoa quả…
  • Hạn chế sử dụng thuốc có chứa hoóc môn: Sử dụng thuốc có chứa hoóc môn không theo chỉ định của bác sĩ sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người phụ nữ và là nguyên nhân gây nên tình trạng ung thư buồng trứng.
Thường xuyên vận động và có chế độ ăn lành mạnh để phòng bệnh ung thư buồng trứng

Tây y điều trị bệnh Ung thư buồng trứng

Điều trị ung thư buồng trứng thường là sự phối hợp của phẫu thuật và hóa trị.

Phẫu thuật

  • Phẫu thuật là phương pháp được dùng nhiều nhất để điều trị ung thư buồng trứng ở bất kể giai đoạn nào. Đối với ung thư giai đoạn đầu, phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất. Bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ cả buồng trứng lẫn ống dẫn trứng.
  • Đối với ung thư buồng trứng ở giai đoạn rất sớm, bác sĩ có thể chỉ cắt một bên buồng trứng và ống dẫn trứng, mục đích giúp bạn bảo tồn chức năng sinh sản. Nếu khối u ở cả 2 bên buồng trứng, bạn có thể phải cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng ở cả 2 bên. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể có thai bằng cách sử dụng trứng hoặc phôi đã trữ đông vào buồng tử cung còn lại.
  • Nếu ung thư đã lan rộng hoặc bạn không còn nguyện vọng giữ khả năng sinh sản, bạn sẽ được cắt bỏ tử cung hoàn toàn kèm buồng trứng, ống dẫn trứng 2 bên và mạc nối lớn, có thể sinh thiết hạch chậu 2 bên.

Hóa trị

  • Ở giai đoạn bệnh đã tiến triển và phẫu thuật khó khăn, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên được hóa trị trước để khối bướu thu nhỏ, sau đó sẽ phẫu thuật.
  • Ngoài ra, tử cung hoặc các cơ quan khác ở vùng chậu và vùng bụng cũng sẽ bị cắt bỏ nếu ung thư đã di căn đến đây.
  • Tiếp theo đó, phương pháp hóa trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sẽ được tiến hành. Hóa trị thường sử dụng đường tĩnh mạch, đôi khi đường uống, một số trường hợp có thể thực hiện hóa trị trong phúc mạc ổ bụng.
  • Thuốc điều trị đích mới hiện nay như Bevacizumab được sử dụng trong ung thư buồng trứng giai đoạn tiến xa, Olaparib được dùng cho bệnh nhân có đột biến gene BRCA.