Bệnh học U nang buồng trứng

U nang buồng trứng

Đại cương U nang buồng trứng:

Định nghĩa U nang buồng trứng:

U nang buồng trứng là một loại khối u hình thành trong buồng trứng của phụ nữ, u có vỏ bọc bên ngoài và chứa dịch lỏng bên trong. U có thể phát triển từ các loại mô của buồng trứng hay từ mô của cơ quan khác.

Dịch tễ học:

U nang buồng trứng chiếm tỷ lệ khoảng 80% các khối u buồng trứng nói chung, là loại khối u rất hay gặp ở phụ nữ, đặc biệt phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ.

Nguyên nhân:

Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng các bác sĩ phụ khoa đưa ra 5 nguyên nhân cơ bản:

Nếu người phụ nữ đã từng bị sẩy thai thì rất dễ mắc bệnh này

Do có kinh sớm hơn bình thường. Đây cũng là tiền đề dẫn đến u nang phát triển.

Do nội tiết bị phá hủy

Chức năng của tuyến giáp bị giảm là nguyên nhân thứ 4 khiến u nang ở buồng trứng phát triển

Nguyên nhân cuối cùng dẫn đến bệnh lý này có thể đi kèm với sự phá hủy các nang trứng đã chín

U nang buồng trứng

Yếu tố nguy cơ:

U nang buồng trứng có thể gặp ở phụ nữ thuộc bất kỳ lứa tuổi nào. Đặc biệt, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là giai đoạn dễ bị mắc bệnh nhất. U nang ít khi xuất hiện ở phụ nữ mãn kinh.

Các yếu tố nguy cơ khác:

  • Tiền sử bản thân có u nang.
  • Tiền sử gia đình có người bị u nang buồng trứng.
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều.
  • Thừa cân, béo phì.

Triệu chứng lâm sàng của U nang buồng trứng:

U nang buồng trứng thường chỉ gây ra các triệu chứng nếu khối u bị vỡ, phát triển với kích thước lớn hoặc ngăn chặn việc cung cấp máu cho buồng trứng. Trong những trường hợp này, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như:

Đau vùng chậu – đau dữ dội đến đau đột ngột

Đau khi quan hệ tình dục

Thường xuyên đi tiểu

Chu kỳ kinh nguyệt không đều

Bụng đầy hơi

Cảm thấy no dù ăn không nhiều

Khó thụ thai mặc dù khả năng sinh sản không bị ảnh hưởng ở hầu hết phụ nữ bị u nang buồng trứng

U nang buồng trứng

Cận lâm sàng:

  • Siêu âm: Siêu âm là phương tiện chẩn đoán trong hầu hết các bệnh lý tại cơ quan sinh dục. Siêu âm qua bụng thường được đề xuất , trong nhiều trường hợp để tăng tính chính xác bác sĩ có thể ra chỉ định siêu âm qua âm đạo.
  • Chụp MRI hoặc CT: MRI có thể cho ta thấy rõ hơn kết quả của siêu âm còn CT scan giúp chẩn đoán tình trạng lan rộng của u nang.
  • Chọc hút tế bào: giúp chẩn đoán phân biệt u lành tính và ác tính.
  • Xét nghiệm huyết thanh CA-125: Xét nghiệm máu tìm kháng nguyên CA-125 (CA: Cancer Antigen) có liên quan đến ung thư buồng trứng. Xét nghiệm này dùng trong đánh giá ung thư biểu mô buồng trứng và giúp xác định tính chất khối u là lành tính hay ác tính. Tuy nhiên một số bệnh khác như u xơ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung cũng cho kết quả dương tính với CA-125. Vì thế xét nghiệm này không có giá trị chẩn đoán quyết định bệnh nhân có mắc ung thư buồng trứng hay không.
  • Nồng độ hormon: Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ LH, FSH, estradiol, và testosterone giúp kiểm tra nồng độ những hormon này trong cơ thể.
  • Thử thai: Điều trị u nang buồng trứng ở một bệnh nhân đang có thai và không có thai là khác nhau hoàn toàn. Lý do khác là trường hợp thai ngoài tử cung có thể bị bỏ sót vì triệu chứng khá giống với u nang buồng trứng.
  • Chọc dò túi cùng Douglas: Để lấy mẫu dịch từ vùng chậu bằng một cây kim đâm xuyên qua thành âm đạo phía sau cổ tử cung.
U nang buồng trứng

Biến chứng U nang buồng trứng:

Một số trường hợp mới đầu là u lành tính, nhưng nếu được phát hiện muộn hoặc không tiến hành chữa trị kịp thời có thể dẫn đến u ác tính. Tuy nhiên chỉ có một số ít trường hợp là u ác tính, dễ dẫn đến tử vong. Thỉnh thoảng gặp một số trường hợp gọi là u quái buồng trứng. Những khối u này khi xẻ ra, bên trong có cả tóc, sụn, xương…

Biến chứng thường gặp ở những trường hợp u nang buồng trứng như sau:

 Xoắn cuống khối u (gây đau bụng dữ dội)

 Vỡ u (ngoài đau bụng, còn gây xuất huyết nội)

Chèn ép các cơ quan lân cận như đường tiêu hóa (gây rối loạn tiêu hóa), đường tiết niệu, bọng đái (gây khó tiểu, bí tiểu); hoặc hóa thành u ác tính…

Biện pháp phòng ngừa U nang buồng trứng:

Để giảm nguy cơ u nang buồng trứng bạn nên:

  • Sử dụng các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, hạn chế sử dụng thức ăn có chứa nhiều mỡ động vật, chất béo bão hòa, protein, chất kích thích. Thay vào đó, ăn nhiều loại rau xanh, trái cây, ngũ cốc và các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C, hidrocacbon, cellulose,… Đồng thời, uống đủ từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày để cung cấp đủ nước cho cơ thể.
  • Tăng cường chức năng giải độc của gan.
  • Kiểm tra hoạt động của tuyến giáp.
  • Làm việc điều độ kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý. Tăng cường thể lực bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
U nang buồng trứng

Tây y điều trị bệnh U nang buồng trứng:

Phân loại U nang buồng trứng:

Có 2 loại u nang buồng trứng là u nang cơ năng và u nang thực thể:

+ U nang buồng trứng cơ năng: là khối u được hình thành từ sự rối loạn các hoạt động nội tiết của buồng trứng dẫn đến rối loạn chức năng buồng trứng, u nang buồng trứng cơ năng thường có kích thước nhỏ nằm giải ở hai bên buồng trứng. U nang buồng trứng cơ năng là các u lành tính, chúng có thể không cần can thiệp điều trị y học, tự biến mất sau khoảng thời gian tầm 3 tới 6 tháng.

+ U nang buồng trứng thực thể: được hình thành và phát triển từ các tổn thương thực thể của buồng trứng, chúng có thể là u lành tính hoặc là u ác tính (ung thư buồng trứng) hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm vì vậy bệnh nhân cần cẩn trọng không được chủ quan coi thường.

U nang buồng trứng

Điều trị:

Việc lựa chọn phương hướng điều trị bệnh sẽ được dựa trên các yếu tố: độ tuổi, kích cỡ, hình dạng nang, các biểu hiện bệnh bất thường.

+ Để tự tiêu

Đôi khi có những u nang buồng trứng lành tính có kích thước nhỏ thì các bác sĩ sẽ quan sát, kiểm tra bằng việc siêu âm để xem liệu nó có thể tự tiêu. Thông thường việc kiểm tra này sẽ diễn ra sau một tháng hoặc lâu hơn.

+ Thuốc tránh thai

Để giảm nguy cơ u nang mới có thể tái phát trong chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo, các bác sĩ có thể kê thuốc tránh thai cho bệnh nhân. Thuốc tránh thai có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.

+ Phẫu thuật

Trường hợp bệnh nhân buộc phải phẫu thuật khi có các triệu chứng nguy hiẻm, u nang có kích thước lớn, u nang xảy ra trong 2-3 chu kỳ kinh nguyệt. Có 2 hình thức phẫu thuật u nang buồng trứng:

+ Mổ nội soi: Bác sĩ sẽ đưa các dụng cụ phẫu thuật nội soi qua một vài vết rạch rất nhỏ để xác định vị trí u nang. Sau đó tiến hành cắt bỏ khối u hoặc lấy mẫu để sinh thiết. Mổ nội soi u nang buồng trứng mức độ phục hồi sẽ nhanh hơn mổ mở. Khoảng 3 ngày sau phẫu thuật sức khỏe người bệnh có thể trở lại như bình thường và không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, thời gian phục hồi nhanh.

+ Mổ mở u nang buồng trứng: Thường chỉ áp dụng phương pháp này khi nghi ngờ u nang là ung thư. Bác sĩ sẽ tạo một vết rạch lớn trên thành bụng, qua đó tiến hành cắt bỏ u nang buồng trứng và đem đi sinh thiết. Sau khi sử dụng phương pháp mổ mở, sức khỏe người bệnh có thể phục hồi sau khoảng 5 ngày.

Nếu xác định u nang là ung thư, có thể bệnh nhân sẽ được yêu cầu phải cắt bỏ một hoặc cả hai buồng trứng hay cả tử cung.