Nội dung bài viết
Bại não là gì?
Bại não là tổn thương não không tiến triển gây nên bởi các yếu tố nguy cơ xảy ra ở giai đoạn trước sinh, trong khi sinh và sau sinh đến 5 tuổi. Bại não biểu hiện chủ yếu bằng các rối loạn về vận động, và có thể các rối loạn đi kèm khác về trí tuệ, giác quan và hành vi.

Phân loại bệnh bại não
Bệnh bại não được chia thành bốn loại chính gồm:
+Thể co cứng: đây là dạng phổ biến nhất, chiếm 70 – 80% trường hợp. Bệnh bại não thể co cứng còn được phân loại thành những nhóm nhỏ hơn là liệt chi dưới, liệt nửa người hoặc liệt tứ chi.
+Thể múa vờn (loạn động): khoảng 10 – 20% trẻ bại não thuộc loại này
+Thể phối hợp: kết hợp giữa hai loại trên. Trong trường hợp này, trẻ bị bại não thường bị dị tật nghiêm trọng
+Thể thất điều: chiếm tỷ lệ không quá 10%
+Bại não thể nhẽo
Bại não có di truyền không?
Ngày nay, với sự phát triển của y học, các nhà nghiên cứu có thể phát hiện ra những tổn thương hay dị tật não bằng các chẩn đoán hình ảnh để tìm ra nguyên nhân, biện pháp phòng ngừa và phương pháp điều trị bại não ở trẻ. Các nghiên cứu của tổ chức Cerebral Palsy Society chỉ ra khoảng 70% bại não ở trẻ xảy ra trước khi sinh, chủ yếu nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Khoảng 20% xảy ra trong giai đoạn sinh ở và 10% còn lại xảy ra trong 2 năm đầu của bé khi não vẫn đang trong giai đoạn hình thành.
Ba yếu tố quan trọng liên quan đến việc chẩn đoán bại não được các nhà khoa học của Đại học Y tế Michigan – Mỹ đều cập gồm: yếu tố di truyền, bại não bẩm sinh và bại não sau sinh.
Bại não không phải là yếu tố có thể di truyền, tuy nhiên, các yếu tố di truyền có thể khiến trẻ bị bại não. Rối loạn di truyền không trực tiếp gây ra bại não ở trẻ nhưng ảnh hưởng của rối loạn di truyền có thể tác dụng nhỏ trên hệ Gen. Ảnh hưởng của di truyền có thể hình thành phức tạp và gây ra một số bất thường ở trẻ.
Theo các nhà khoa học, di truyền chỉ là một yếu tố có thể gây ra bại não nhưng chưa được chứng minh là nguyên nhân gây bại não. Do vậy, các gia đình trước khi sinh con hoặc gia đình đã có bé mắc bại não muốn sinh thêm con nên đến thăm khám với bác sĩ chuyên môn để kiểm tra bản đồ gen và được tư vấn chính xác nhất.

Bệnh bại não có chữa được không?
Bại não không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên các triệu chứng và các khuyết tật có thể được giảm bớt bằng phương pháp vật lý trị liệu (PT), trị liệu vận động (OT), tư vấn tâm lý và phẫu thuật.
Vật lý trị liệu giúp trẻ em phát triển cơ bắp khỏe mạnh hơn và có thể thực hiện các động tác như đi bộ, ngồi và giữ thăng bằng. Các loại thiết bị đặc biệt, chẳng hạn như niềng răng và nẹp, cũng có thể giúp ích cho trẻ.
Với trị liệu vận động, trẻ sẽ phát triển được các kỹ năng vận động, chẳng hạn như bé biết tự mặc quần áo, tự xúc và ăn thức ăn và tập viết. Bên cạnh đó, trị liệu ngôn ngữ sẽ giúp trẻ học được kỹ năng nói.
Các cách phòng bệnh bại não
+ Tránh những rủi ro có thể gây bệnh, ví dụ như nhiễm Rubella trong thời gian mang thai
+Tham khảo ý kiến bác sĩ về các phương pháp điều trị làm giảm triệu chứng
+Cho bé đi học ở các trường học đặc biệt dành cho trẻ bại não
+Gia đình cũng cần có thái độ lạc quan mới có thể giúp trẻ phát triển và sinh hoạt bình thường
Bại não điều trị như thế nào?
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị bại não như châm cứu bấm huyệt, diện chẩn, oxy cao áp, ghép tế bào gốc hay phục hồi chức năng… Tuy nhiên, đến nay, khoa học trên thế giới cho rằng phục hồi chức năng đang là phương pháp tốt và có hiệu quả cải thiện tốt đối với trẻ bị bại não.
Điều trị bại não không phải là điều trị trong 1 – 2 tháng mà điều trị bại não cần phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Điều trị bại não cần phối hợp giữa gia đình và bác sĩ điều trị, kết hợp giữa phục hồi chức năng vận động đối với trẻ chậm phát triển về vận động, trị liệu ngôn ngữ cho những trẻ chậm nói hay gặp khó khăn với ngữ âm; điều hòa cảm giác cho những trẻ bị rối loạn cảm giác; đào tạo kỹ năng cá nhân cho trẻ bại não để trẻ thích nghi với khuyết tật của bản thân và cải thiện khả năng tự phục vụ của mình. Ngoài ra, cũng cần đào tạo hòa nhập cho trẻ để trẻ có cơ hội tương tác với xã hội và tham gia vào xu hướng của cuộc sống.
Phục hồi chức năng cho trẻ bại não

Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị
– Giảm trương lực cơ,tăng cường cơ lực ở một số nhóm cơ chính.
– Phá vỡ, ức chế các phản xạ nguyên thủy (duỗi chéo, nâng đỡ hữu hiệu…)
– Tạo thuận các vận động chức năng và kích thích sự phát triển vận động thô theo các mốc: lẫy, ngồi, bò , quỳ, đứng,đi.
– Tăng cường khả năng độc lập trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày như: ăn uống, đánh răng, rửa mặt, tắm, đi vệ sinh, mặc quầnáo.
– Kích thích giao tiếp sớm và phát triển ngôn ngữ, tư duy.
Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng
1. Vận động trị liệu
+ Theo các mốc phát triển về vận động thô của trẻ:
Kiểm soát đầu cổ -> Lẫy -> Ngồi -> Quỳ -> Bò -> Đứng -> Đi -> Chạy
+ Theo thể lâm sàng bại não
+ Hoàn thành mốc VĐ trước rồi chuyển sang mốc sau

1.1.Các bài tập ức chế và phá vỡ các phản xạ bệnh lý
Tập ức chế và phá vỡ phản xạ bệnh lý là các kỹ thuật ức chế, phá vỡ các phản xạ bệnh lý và phản xạ nguyên thủy nhằm tạo thuận cho quá trình phát triển và vận động của trẻ.
– Kỹ thuật 1:Tạo thuận và chỉnh sửa tư thế bàn tay co,gấp và sấp.
– Kỹ thuật 2:Tạo thuận phá vỡ phản xạ duỗi chéo ở tư thế nằm
– Kỹ thuật 3:Phá vỡ phản xạ duỗi chéo tư thế ngồi trên sàn
– Kỹ thuật 4:Phá vỡ phản xạ duỗi chéo bằng cách đặt trẻ ngồi trong ghế có bộ phận tách chân
– Kỹ thuật 5: Phá vỡ phản xạ duỗi chéo ở trẻ tập đi trong thanh song song
– Kỹ thuật 6: Phá vỡ phản xạ nâng đỡ hữu hiệu
1.2.Các bài tập kiểm soát đầu cổ và thân mình
Trẻ bại não hay gặp các bất thường trong hoạt động kiểm soát đầu cổ và thân mình. Điều này dẫn đến việc trẻ chậm phát triển về vận động ở các mốc lẫy, ngồi, bò, đứng,đi.
– Kỹ thuật 1: Điều chỉnh đầu về vị trí trung gian ở tư thế nằm ngửa
– Kỹ thuật 2: Tạo thuận nâng đầu bằng tay ở tư thế nằm sấp
– Kỹ thuật 3:Tạo thuận nâng đầu bằng sử dụng gối kê trước ngực
– Kỹ thuật 4: Điều chỉnh đầu cổ về vị trí trung gian ở tư thế nằm sấp trên bóng
– Kỹ thuật 5: Bài tập thăng bằng ngồi trên bóng/bàn nghiêng
– Kỹ thuật 6: Bài tập thăng bằng ngồi trên sàn
1.3.Tập vận động trên bóng
Tập vận động trên bóng là bài tập cải thiện vận động hiệu quả cho trẻ bại não. Các bài tập vận động trên bóng bao gồm
– Tập kiểm soát đầu cổ, thăng bằng tư thế nằm sấp, nằm ngữa, lẫy
– Tập thăng bằng ngồi trên bóng
– Tập đứng với bóng
– Tập đi với bóng

2. Huấn luyện giao tiếp và ngôn ngữ
2.1. Huấn luyện kỹ năng giao tiếp sớm
– Mục tiêu của giao tiếp:
+ Xây dựng mối quan hệ với mọi người.
+ Học tập.
+ Gửi thông tin.
+ Tự lập hay kiểm soát được sự việc.
– Huấn luyện về giao tiếp sớm bao gồm:
+ Kỹ năng tập trung
+ Kỹ năng bắt chước
+ Kỹ năng chơi đùa
+ Giao tiếp bằng cử chỉ, tranh ảnh
+ Kỹ năng xã hội
2.2. Huấn luyện các kỹ năng về ngôn ngữ
– Huấn luyện kỹ năng ngôn ngữ bao gồm:
+ Kỹ năng hiểu ngôn ngữ
+ Kỹ năng diễn đạt bằng ngôn ngữ
– Huấn luyện trẻ Kỹ năng hiểu ngôn ngữ:
+ Nguyên tắc dạy hiểu ngôn ngữ:
* Trẻ phải hiểu, biết ý nghĩa của âm thanh, từ và câu trước khi nói.
* Nói chuyện nhiều với trẻ, dùng ngôn ngữ đơn giản, nói chậm, to.
* Sử dụng dấu hiệu để giúp trẻ hiểu.
* Chỉ sử dụng 1 vài đồ vật hoặc tranh ảnh, chỉ một người hướng dẫn
* Động viên khen thưởng đúng lúc.
+ Phương pháp huấn luyện trẻ hiểu ngôn ngữ: (Bài Ngôn ngữ trị liệu)
– Huấn luyện trẻ diễn đạt ngôn ngữ.
+ Mục tiêu: Trẻ sẽ tự nói/làm dấu/ chỉ vào các bức tranh.
+ Phương pháp:
* Bước 1:Đánh giá.
* Bước 2: Lập chương trình huấn luyện.
Chọn 1 đến 2 kỹ năng cho đợt huấn luyện (Xem trang 126 đến trang 183 trong Tài liệu giao tiếp với trẻ em).
* Bước 3:Đánh giá kết quả, lập chương trình huấn luyện tại nhà.
3. Hoạt động trị liệu
-Mụcđích:
+ Tăng khả năng vận động tinh (cầm nắm, với đồ vật, …)
+ Tăng khả năng hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày.
– Các kỹ thuật hoạt động trị liệu
• Huấn luyện kỹ năng sử dụng hai tay sớm: Kỹ năng cầm đồ vật, Kỹ năng với cầm
• Huấn luyện kỹ năng sinh hoạt hàng ngày sớm: Kỹ năng ăn uống, Kỹ năng mặc quần áo, đi giày dép, Kỹ năng vệ sinh cá nhân, Kỹ năng tắm rửa, đánh răng, rửa mặt
• Huấn luyện kỹ năng nội trợ: Kỹ năng đi chợ, tiêu tiền, Kỹ năng nấu nướng
• Huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp: chọn nghề, học nghề cho phù hợp, giao thông.
4. Điện trị liệu
4.1. Tử ngoại
• Chỉ định: Bại não có còi xương –SDD, Bại não thể nhẽo
• Chống chỉ định: Bại não có kèm theo Động kinh, lao phổi tiến triển, suy thận, suy gan, chàm cấp.
• Phương pháp: Tử ngoại B bước sóng 280-315 nm
• Thời gian: liều đỏ da độ 1 sau tăng dần lên (tổng liều 1-5 phút/lần ) X 20-30 ngày/đợt
4.2. Điện thấp tần
Là dòng điện một chiều có điện thế không đổi trong thời gian điều trị
* Chỉ định : Trẻ bại não không có Động kinh lâm sàng
* Chống chỉ định : Bại não có Động kinh trên lâm sàng; BN thể co cứng nặng
* Các phương pháp điện thấp tần
+ Galvanic dẫn CaCl2 cổ
– Chỉ định: cho trẻ BN chưa kiểm soát được đầu cổ, chưa biết lẫy.
– Mục đích : tăng cường cơ lực nhóm cơ nâng đầu-cổ.
– KT điện cực : Cực tác dụng mang dấu (+) có tẩm dung dịch CaCl2 đặt vào vùng cổ (C5-7); Cực đệm mang dấu (-) đặt ở vùng thắt lưng (L4-5). Cường độ:03-0,5mA/cm2 điện cực.
– Thời gian điều trị: 15-30 phút/lần hàng ngày X 20-30 ngày.
+ Galvanic dẫn CaCl2 lưng
– Chỉ định : cho trẻ BN chưa nâng thân mình (chưa biết ngồi)
– Mục đích : tăng cường cơ lực nhóm cơ nâng thân.
– KT điện cực : Cực tác dụng mang dấu (+) có tẩm dung dịch CaCl2 đặt vào vùng thắt lưng (L4-5); Cực đệm mang dấu (-) đặt ở vùng.cổ (C5-7) hoặc giữa 2 bả vai. Cường độ: 03-0,5mA/cm2 điện cực.
– Thời gian điều trị: 15-30 phút/lần/ ngày X 20-30 ngày.
+ Dòng Galvanic ngược toàn thân
– Chỉ định : cho trẻ BN thể co cứng liệt tứ chi
– Mục đích : Giảm trương lực nhóm cơ gập mặt lòng khớp cổ chân nhằm đưa bàn chân về vị trí trung gian.
– KT điện cực: 2 cực tác dụng mang dấu (-) đặt vào vùng cơ dép hai bên; Cực đệm mang dấu (+) đặt ở vùng giữa 2 bả vai hoặc thắt lưng. Cường độ:03-0,5mA/cm2 điện cực.
– Thời gian điều trị: 15-30 phút/lần hàng ngày trong 20-30 ngày.
+ Dòng Galvanic ngược khu trú chi trên
– Chỉ định : cho trẻ BN thể co cứng liệt nủa người
– Mục đích: Giảm trương lực nhóm cơ gập mặt lòng khớp cổ tay nhằm đưa bàn chân về vị trí trung gian.
– KT điện cực : Cực tác dụng mang dấu (-) đặt vào phần dưới cẳng tay liệt( điểm vận động các cơ gập mặt lòng khớp cổ tay); Cực đệm mang dấu (+) đặt ở vùng 1/3 giữa (cơ hai đầu) cánh tay. Cường độ:03-0,5mA/cm2 điện cực. Thời gian điều trị: 15-30 phút/lần hàng ngày trong 20-30 ngày.
+ Dòng Galvanic ngược khu trú chi dưới
– Chỉ định : cho trẻ BN thể co cứng liệt nửa người
– Mục đích : Giảm trương lực nhóm cơ gập mặt lòng khớp cổ chân( Cơ sinh đôi,dép) nhằm đưa bàn chân về vị trí trung gian.
– KT điện cực : Cực tác dụng mang dấu (-) đặt vào vùng cơ dép bên liệt( bắp chân); Cực đệm mang dấu (+) đặt ở vùng giữa 2 bả vai hoặc thắt lưng. Cường độ: 03-0,5mA/cm2 điện cực. Thời gian điều trị: 15-30 phút/lần hàng ngày trong 20-30 ngày.
+ Dòng Galvanic ngắt quãng( xung chữ nhật hoặc tam giác) khu trú
– Chỉ định : cho trẻ BN thể co cứng ( bàn chân thuổng,bàn tay gập mu quá mức, co rút gập hình thành tại gối.. ..)
– Mục đích : Không phải kích thích lên cơ trực tiếp mà kích thích lên thần kinh bị ức chế. Phương pháp này còn gọi là thể dục trị liệu .
– KT điện cực : Cực tác dụng mang dấu (-) đặt vào điểm vận động của cơ định kích thích( Cơ gập mu bàn tay,cơ chày trước,cơ tứ đầu đùi.. ..); Cực đệm mang dấu (+) đặt ở vùng đầu gần của chi tương ứng (hoặc C4-6 hoặc vùng thắt lưng.) Cường độ : dò cường độ và giữ lại ở liều có co cơ tối thiểu. Thời gian điều trị:15-30 phút/lần hàng ngày trong 20-30 ngày.
5.Thuỷ trị liệu
– Chỉ định: Trẻ bại não không có Động kinh lâm sàng
– Chống chỉ định: Trẻ bại não có Động kinh lâm sàng
– Mục đích: Thư giãn, giảm trương lực cơ, tăng khả năng VĐ có ý thức
– Phương pháp: Bồn nước xoáy Hubbard, bể bơi. Nhiệt độ nước 36-38oC
– Thời gian : 20-30 phút
6.Các điều trị khác
6.1Tiêm thuốc dãn cơ
– Chỉ định: Trẻ bại não thể co cứng, co rút
– Chống chỉ định: Trẻ bại não thể múa vờn, thể nhẽo, thể thất điều..
– Mục đích: giảm trương lực cơ, tăng cường khả năng vận động có ý thức, kiểm soát tư thế, phòng chống biến dạng…
– Phương pháp: xác định mức độ và tình trạng tăng trương lực cơ. Xác định điểm vận động, đánh dấu vị trí tiêm.
– Tiến hành tiêm: gây tê bề mặt tại vị trí tiêm, pha thuốc tiêm với dung dịch Nacl2 9%0 theo đơn vị đóng lọ. Lấy thuốc theo liều lượng tiêm tại mỗi vị trí. Tiêm trực tiếp nội cơ hoặc tiêm qua đầu định vị của máy điện cơ với liều lượng đã được tính toán.
6.2 Điều trị ngoại khoa: (khi có chỉ định phù hợp)
– Phẫu thuật chỉnh hình
– Dẫn lưu nãothất….
– Cắt chọn lọc thần kinh vận động
6.3 Điều trị Oxy cao áp (khi có điều kiện)