BẠCH CƯƠNG TẰM

vị thuốc bạch cương tằm

Tên gọi: Bạch cương tằm:

Tên khác: Bạch cam toại, Cương nghĩ tử, Trực cương tằm, Tử lăng (Hòa Hán Dược Khảo), Chế thiên trùng, Sao cương tằm, Sao giai tam, Tằm cô chỉ, Tằm dũng, Tằm thuế

Tên khoa học: Bombyx mori L. Họ Cương Tằm (Bombycidae)

vị thuốc bạch cương tằm

Bạch cương tằm:

Mô tả:

Bạch cương tằm là vị thuốc có nguồn gốc từ con tằm ăn lá dâu hay tằm vôi, bị chết do một loại vi khuẩn có tên là Botrytis bassiana gây ra.

con tằm dâu

Thu hái, sơ chế:

Có nhiều cách bào chế như sau:

+ Vào giữa tháng 4 – 5, người ta thường chọn những con tằm chết cứng do bị nhiễm vi khuẩn, đem phơi khô nơi có gió hoặc phơi nắng. Sau đó cho tằm vào bình hút ẩm có chứa vôi sống hoặc có thể sấy khô hay ngâm nước vo gạo 1 đêm để dùng. Khi ngâm nước vo gạo, nên quấy nhẹ tay cho tơ và nhớ ra hết, vớt ra, phơi hoặc sấy khô lại.

+ Ngâm tằm trong nước vo gạo nếp 1 ngày cho nhớt và dầu nổi lên mặt nước, vớt ra, sấy khô trên lửa nhỏ, chùi sạch miệng đen, lông vàng để se khô rồi mới đem sao lửa nhỏ cho đến khi khô hoàn toàn.

+ Sao tằm với cát vàng hoặc với rượu rồi sấy khô.

Bộ phận dùng:

Toàn thân: chia đốt, các đốt ở đầu và thân rõ rật, Đầu tròn, 2 bên bụng có 8 đôi chân giả, mặt ngoài thường kèm ít tơ, phần lớn có chất màu xám trắng. Không nên chọn những loại bạch cương tằm mình cong queo, ruột ướt đen vì loại này thường là tằm chết rồi mới đem ướp vôi để làm giả.

Vị thuốc bạch cương tằm:

Mô tả dược liệu:

Con tằm dùng làm bạch cương tằm khi chết thường được cho vào vôi sấy khô cứng. Vì thế bạch cương tằm hình con tằm hình ống tròn, cong queo, vỏ ngoài màu xám trắng hoặc màu nâu xám dài khoảng 3 – 9,5 cm, đường kính 5mm. Có chất cứng nhưng giòn, khi bẻ đôi, ở vết bẻ có màu xanh nâu, mùi hơi khắm, vị hơi đắng.

Bào chế:

Phơi khô nơi có gió hoặc phơi nắng. Sau đó cho tằm vào bình hút ẩm có chứa vôi sống hoặc có thể sấy khô hay ngâm nước vo gạo 1 đêm để dùng. Khi ngâm nước vo gạo, nên quấy nhẹ tay cho tơ và nhớ ra hết, vớt ra, phơi hoặc sấy khô lại.

Ngâm tằm trong nước vo gạo nếp 1 ngày cho nhớt và dầu nổi lên mặt nước, vớt ra, sấy khô trên lửa nhỏ, chùi sạch miệng đen, lông vàng để se khô rồi mới đem sao lửa nhỏ cho đến khi khô hoàn toàn.

Sao tằm với cát vàng hoặc với rượu rồi sấy khô.

bạch cương tằm dược liệu

Bảo quản:

Bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm thấp bụi bẩn.

Thành phần hóa học:

+ Trong Bạch cương tằm cóPyridin -2, 6- nhị Acid hữu cơ, chất mỡ, Chitinase, Bassianins, Fibrinolysin, Pyrausta Nubialis, Galleria Mellonella, Beauverician, Corticoids (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Trong Bạch cương tằm có Ammonium Oxalate, Chitinase, Beauverician, Asparagine, Fibrinolysin (Trung Dược Học).

+ Trong Bạch cương tằm có 67,44% chất Protid, 4,38% chất Lipid, 6,34% tro, 11,34% độ ẩm (Những Cây thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

Tác dụng dược lý:

+ Tác động lên hệ thần kinh trung ương: Thí nghiệm trên súc vật, Bạch cương tằm có dấu hiệu gây ngủ. Cũng có tác dụng ức chế co giật do Strychnin gây ra (Trung Dược Học).

 + Tác dụng gây ngủ: Dùng dịch chiết xuất Bạch cương tằm cho chuột và thỏ uống với liều 0,5g/20g, chích với liều 0,25g/20g thấy có tác dụng gây ngủ(Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Thuốc cho uống làm giảm tỉ lệ chết của chuột bạch do Strychnin gây co giật (Trung Dược Học).

 +Tác dụng kháng khuẩn: trong ống nghiệm, thuôc có tác dụng ức chế nhẹ đối với tụ cầu vàng, trực khuẩn đại trường, trực khuẩn mủ xanh (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).

Bạch cương tằm trong đông y:

Tính vị, quy kinh:

Vị mặn, tính bình, vào kinh Can, Phế,Tỳ, Vị (Trung Dược Đại Từ Điển).

Tác dụng:

Tức phong chỉ kinh (chống co giật), khu phong chỉ thống (giảm đau), giải độc tán kết.

Chủ trị:

Trị trẻ nhỏ bị kinh phong, khóc đêm (Bản Kinh).

 Trị băng trung, xích bạch đới, sinh xong bị đau nhức, trưng hà(Biệt Lục).

 Trị miệng méo, ra mồ hôi, băng trung, rong huyết (Dược Tính Luận).

Trị trẻ nhỏ bị cam trùng, nướu răng lở loét, lưỡi sưng, lưỡi cứng (Bản Thảo Chứng).

 Trị các chứng phong gây bệnh ngoài da (Y Học Khải Nguyên).

 Tức phong, chỉ kinh, thanh hầu, khai âm. Trị động kinh, co giật, họng viêm cấp, liệt mặt, mề đay, lao hạch (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Cách dùng:

+ Uống trong: 6 – 12g,bên ngoài có thể dùng để bôi…

+ Kiêng kỵ:

Bạch cương tằm ghét các vị Cát cánh, Phục linh, Phục thần, Tang phiêu tiêu, Tỳ giải(Dược Tính Luận).

Phàm bị trúng phong cấm khẩu, trẻ nhỏ bị co giật, khóc đêm, do Tâm hư, thần hồn không yên, huyết hư mà không có ngoại tà thì không được dùng Bạch cương tằm(Bản Thảo Kinh Sơ).

Huyết hư, không có phong tà: không dùng (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Không phải phong nhiệt: không dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Bài thuốc:

Trị lở ngứa (gây ra) đau nhức:

Bạch cương tằm, sấy khô, tán bột. Mỗi lần uống 4g với rượu (Thánh Huệ Phương).

Trị các loại phong đàm:

Bạch cương tằm 7 con (chọn loai thẳng), tán bột, uống với nước gừng (Thắng Kim Phương).

Trị trẻ nhỏ bị động kinh:

Tỏi 7 củ. Trước hết lấy đất đốt cho đỏ lên rồi lấy Tỏi mài trên đất đó thành cao. Rồi lấy Bạch cương tằm ( bỏ đầu và chân) 40g, để trên đất đó, lấy cái tô úp lại 1 đêm, đừng làm hở hơi. Sau đó lấy Bạch cương tằm tán bột thổi vào mũi hàng ngày (Phổ Tế Phương).

bạch cương tằm trị nám

Trị nhức ở giữa hoặc 1 bên đầu hoặc đau lan đến 2 bên thái dương:

Bạch cương tằm, tán bột, uống với nước sắc Trà  Hành (Thánh huệ phương).

Trị đầu đau do phong:

Bạch cương tằm, Cao lương khương, 2 vị bằng nhau, tán bột. Ngày uống 2 lần mỗi lần 4g với nước trà, lúc đi ngủ (Thánh Huệ Phương).

Trị mặt nám đen:

Bạch cương tằm tán bột, trộn với nước bôi (Thánh Huệ Phương).